Chủ động thích ứng
Theo ông Nguyễn Văn Kết – Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, diễn biến tỉ giá đang chịu nhiều áp lực từ việc đồng USD thế giới tăng mạnh. Do vậy, động thái nâng giá bán USD của ngân hàng được hiểu là mang tính phòng vệ trước nguy cơ tăng tiếp lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong thời gian tới đây.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Kết cho rằng, việc nâng giá bán USD sẽ có lợi nhiều hơn cho đơn vị xuất khẩu. Đối với SKD Việt Nam, doanh nghiệp cũng đang thực hiện mua nguyên nhiên liệu bằng đồng VND và sản xuất, bán ra bằng đồng USD nên điều này sẽ có lợi. Nhưng ngược lại, những doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng để tiêu thụ trong nước sẽ không có lợi.
Đề cập đến vấn đề này, ông Đào Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cũng nhận định, hiện nay, VND đang được các cơ quan chức năng giữ ở mức ổn định so với nhiều đồng tiền khác, kinh tế vĩ mô ổn định tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Quyết định tăng mạnh giá bán ngoại tệ nói trên của Ngân hàng Nhà nước không bất ngờ, bởi thời gian gần đây một số tổ chức đầu tư hoặc nghiên cứu đầu tư đã dự báo trước việc điều chỉnh này. Do vậy, việc tăng giá USD có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng không lớn.
“Nhiều nhà máy của doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh đàm phán, chia sẻ hài hoà giá thu mua nguyên liệu và giá xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường sản xuất hàng tinh chế để tạo sức cạnh tranh cho thuỷ sản Việt khi Liên minh Châu Âu và Nhật Bản đều rất ưa chuộng các sản phẩm này. Trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chú ý đến tỉ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp ” – đại diện một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản nói.
Doanh nghiệp cần bám sát, theo dõi thị trường
Trước thực trạng này, ThS Phan Minh Hòa – Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỉ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch bệnh COVID-19 hay căng thẳng Nga-Ukraina. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Để phòng ngừa rủi ro tỉ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (swap), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Theo ThS Phan Minh Hòa, đối với các công ty nhập khẩu, doanh nghiệp cần tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí. Đây là bài toán khó đã đặt ra cho doanh nghiệp từ trong dịch COVID-19.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cần phải đảm bảo sự cân đối giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Nếu VNĐ mất giá quá nhanh, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, lạm phát sẽ gia tăng trong bối cảnh thị trường đã có rất nhiều sức ép. Đồng thời, còn tăng gánh nợ nước ngoài hay nguy cơ dễ bị Mỹ xem xét việc thao túng tiền tệ. Ngược lại, nếu tỉ giá bị kiềm chế quá mức, trong khi những đồng tiền khác đã mất giá, hàng hóa xuất khẩu cũng lại sẽ mất sức cạnh tranh trên thị trường.