Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư triển khai các giải pháp để chống gian lận, thất thoát doanh thu dự án BOT giao thông.
Theo Bộ Tài chính, qua kiểm tra, giám sát công tác thu phí tại một số trạm thu phí BOT cho thấy vẫn còn xảy ra một số tồn tại như: Chưa tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ GTVT; chưa nâng cấp trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ các dữ liệu thu theo quy định; miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đúng đối tượng.
Để chấn chỉnh, Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, sự cố, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí. Tăng cường tự kiểm tra, giám sát nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong thu phí..
Năm 2021, do tác động của dịch COVID-19 và các đợt giãn cách xã hội khiến lưu lượng giao thông di chuyển trên các đường lộ bị hạn chế, phần nào đó ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp BOT.
Thế nhưng, thực tế cho thấy doanh thu và lợi nhuận nhóm ngành này sụt giảm với cùng kỳ không đến từ nguồn thu phí giao thông đường bộ giảm.
Doanh thu thu phí giao thông vẫn tăng mạnh
Thống kê từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của 6 công ty kinh doanh BOT lớn trên sàn bào gồm CII, CTI, HUT, HTI BOT và HHV cho biết, trong năm 2021, nhóm doanh nghiệp này ghi nhận 6.799 tỉ đồng doanh thu, giảm 21% so với năm 2020.
Trong đó, doanh nghiệp có mức doanh thu sụt giảm nhiều nhất có thể kể đến CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (CII) với 47%, CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (CTI) giảm 17%; CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (HTI) giảm 11%.

Tuy nhiên, xét riêng về cơ cấu doanh thu, nguyên nhân sụt giảm do doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản của CII giảm, còn doanh thu thu phí giao thông vẫn tăng 31% lên 946 tỉ đồng.
Ở chiều ngươc lại, CTCP BOT Cầu Thái Hà (BOT) gây bất ngờ khi doanh thu thuần năm 2021 tăng đến 342%, đạt 115 tỉ đồng so với 1 năm trước đó. Phần tăng này đến từ khoản mục doanh thu bán hàng hóa với 88 tỉ đồng, trong khi doanh thu cung cấp dịch vụ chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 1 tỉ đồng, đạt 27 tỉ đồng.
Xét về lợi nhuận, trong năm 2021, ngoại trừ CTCP Tasco (HNX: HUT) có lợi nhuận đạt 50 tỉ đồng (cùng kỳ lỗ 247 tỉ đồng) nhờ thay đổi chính sách khấu hao tài sản cố định và CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) có lợi nhuận trước thuế tăng 88% so với năm 2020, 4 đơn vị BOT còn lại đều ghi nhận mức lãi giảm sâu. Tính tổng, trong kỳ, 6 doanh nghiệp tạo ra 237 tỉ đồng lãi trước thuế, giảm 2,7 lần so với năm ngoái.

Giải trình cho biến động kết quả kinh doanh trong kỳ, đa số các công ty cho rằng do tác động của dịch COVID -19, giãn cách khiến lưu lượng xe lưu thông giảm, các dự án xây dựng phải tạm ngừng làm trễ tiến độ. Đồng thời tiến độ thu tiền, trả nợ gặp khó khăn đẩy chi phí lãi vay tăng cao..
Nợ phải trả, nợ vay “phình to”
Cũng theo báo cáo tài chính năm 2021, tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của 6 doanh nghiệp BOT kể trên đạt 61.582 tỉ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Đáng chú ý khi các khoản nợ vay tài chính chiếm đến 78% tổng nợ vay của các doanh nghiệp.

Nợ vay tăng cao, kéo theo chi phí tài chính (chi phí lãi vay) công ty BOT tăng cao, là một phần nguyên nhân “bào mòn” lợi nhuận doanh nghiệp cuối kì.
Nhắc đến nhóm ngành BOT, năm 2021 chỉ tiêu D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở) tính trên trung bình nhóm đang là 2,7, cho thấy đa phần các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao.

Nổi bật trong đó, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (3,4), CTCP BOT Cầu Thái Hà (3,7). Điều này cũng phần nào thể hiện rõ ở báo cáo tài chính khi tổng nợ phải trả HHV tính đến cuối năm 2021 cao nhất trong nhóm ngành với 26.287 tỉ đồng.