Trong năm 2024, tập đoàn tiếp tục lồng ghép ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) vào các hoạt động và quyết định kinh doanh, hướng đến tầm nhìn năm 2030 thực thi các sáng kiến đổi mới để đảm bảo phù hợp với ESG và phát triển bền vững.
Thu hút vốn ngoại nhờ “năng lực kép”
Tiền thân là một nhà máy sản xuất gia vị tại TP. HCM, Masan Group đã phát triển thành tập đoàn tiêu dùng, bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam với gần 30 nhà máy, hơn 3.600 điểm bán lẻ WinMart/WinMart+/WiN trên khắp cả nước.
Tháng 6-2024, tại bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu Đông Nam Á năm 2024 được tạp chí Fortune lần đầu tiên công bố, Masan Group là công ty đứng đầu trong lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam với doanh thu năm 2023 đạt hơn 3,2 tỉ USD. Tập đoàn này cũng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về thu hút nguồn vốn ngoại, đặc biệt trong giai đoạn thị trường vốn quốc tế tắc nghẽn.
Năm 2023, tập đoàn đã thu hút gói tín dụng hợp vốn lên đến 650 triệu USD từ Ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và Ngân hàng United Overseas. Tháng 4-2024, Bain Capital (quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Mỹ) cũng đã hoàn tất giao dịch đầu tư 250 triệu USD vốn cổ phần vào Masan Group.
Việc rót hàng trăm triệu USD đầu tư vào tập đoàn đã khẳng định sự tin tưởng của các tổ chức tài chính ngoại vào “năng lực kép” của tập đoàn. Đó là năng lực thực thi kinh doanh, mang lại hiệu quả cao và chiến lược phát triển bền vững.
Những năm gần đây, bên cạnh kết quả kinh doanh, thực hành ESG (các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là các tiêu chí được nhà đầu tư quốc tế quan tâm khi đánh giá quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp.
Tập đoàn đã triển khai tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách xác định các chủ đề trọng yếu đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như chuỗi giá trị sản xuất.
Trong năm 2024, tập đoàn tiếp tục lồng ghép ESG vào các hoạt động và quyết định kinh doanh, hướng đến tầm nhìn năm 2030 thực thi các sáng kiến đổi mới để đảm bảo phù hợp với ESG và xu hướng khí hậu.
Quản lý tài nguyên bền vững
Với hoạt động sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng sâu rộng đến 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam, tập đoàn đã đầu tư các nhà máy sản xuất tiên tiến, sử dụng các dây chuyền hiện đại bậc nhất thế giới và thân thiện với môi trường.
“Khi lên kế hoạch cho bất kỳ dự án mới nào, chúng tôi luôn tính toán trước các ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, từ đó lên các phương án bảo vệ môi trường phù hợp trước khi thực hiện dự án”, đại diện Masan Group cho biết.
Theo doanh nghiệp này, cam kết về môi trường được khởi nguồn từ những điều gần gũi nhất, trước hết là quan tâm đến môi trường xung quanh nơi làm việc. Các nhà máy của tập đoàn và khu vực lân cận được phủ xanh và cung cấp không khí trong lành.
Như tại các nhà máy của Masan Consumer, 20% tổng diện tích khuôn viên được dành cho trồng cây xanh để đảm bảo nơi làm việc xanh, thân thiện môi trường. Hay các tổ hợp chế biến thịt ủ mát của Masan MEATLife có diện tích cây xanh bao phủ từ 24 – 31% tổng diện tích của toàn tổ hợp, cao hơn so với yêu cầu của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm lượng khí thải carbon, các nhà máy của tập đoàn đã áp dụng nhiều sáng kiến. Đơn cử, Masan Consumer tận dụng trấu và mùn cưa để sản xuất năng lượng tái tạo cho toàn bộ cơ sở sản xuất.
Nhờ vậy, không chỉ cung cấp nguồn năng lượng bền vững và hiệu quả về chi phí mà còn góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân địa phương.
Ngoài ra, các nhà máy này còn tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng bằng cách tận dụng lượng nhiệt thất thoát trong quá trình chiên, tiệt trùng sản phẩm, tránh các quá trình làm biến đổi nhiệt.
“Masan Consumer đã được trao chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2018 vào năm 2023. Sự công nhận này ghi nhận cam kết của chúng tôi trong việc bảo tồn năng lượng và thúc đẩy chúng tôi duy trì và mở rộng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong tất cả các hoạt động” đại diện công ty chia sẻ.
Doanh nghiệp này cũng cho hay bên cạnh việc thực hành tiết kiệm năng lượng, việc quản lý nước cũng được đặc biệt quan tâm. Năm 2023, tổng lượng nước tiêu thụ được Masan Consumer ghi nhận là hơn 123,8 triệu m³, giảm 11% so với 138,4 triệu m³ năm 2022. Mục tiêu dài hạn là cắt giảm lượng nước sử dụng từ 5 đến 10% trên mỗi đơn vị sản xuất vào năm 2025 thông qua các biện pháp tái chế nước nâng cao.
Được vinh danh là nơi làm việc tốt tại châu Á
Hoạt động kinh doanh đa dạng trải rộng trên nhiều lĩnh vực và sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều thị trường trên thế giới nên người lao động tại tập đoàn gồm nhiều quốc tịch khác nhau: Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Việt Nam.
Với việc dung hòa đội ngũ gần 40.000 thành viên từ đa dạng vùng miền, quốc gia, tập đoàn đã được vinh danh là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2023”. Đồng thời chiến thắng hạng mục giải thưởng “Doanh nghiệp có môi trường làm việc đa dạng, bình đẳng và hòa nhập” do tạp chí uy tín hàng đầu về nhân sự tại châu Á – HR Asia – trao tặng.
Ông Lê Bá Nam Anh – giám đốc cấp cao thị trường vốn và sáng kiến chiến lược, thành viên ủy ban ESG Tập đoàn Masan – cho biết: “Là một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ với các sản phẩm dịch vụ cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam và là đối tác tin cậy của các nhà cung cấp, chúng tôi nhìn thấy vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng của tập đoàn trong việc nâng cấp chuỗi giá trị thực phẩm và đóng góp vào cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Việc này đòi hỏi một cách suy nghĩ khác về mô hình kinh doanh trong tương lai, trong đó phát triển bền vững không chỉ là quản trị rủi ro mà còn là cơ hội để tạo ra sự khác biệt đối với khách hàng, đối tác và cộng đồng xã hội”. “Doing well by doing good” – Đó là con đường chúng tôi đi”.