Viết trên trang Geopolitical Monitor, nghiên cứu viên cao cấp James Borton của Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins/SAIS cho rằng, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9.2023 đã góp phần nhấn mạnh lợi ích chung của hai nước và được coi là cơ hội để thúc đẩy việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Tác giả chỉ ra một loạt lợi ích từ việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trước hết, việc công nhận quy chế thị trường sẽ giúp Việt Nam mở rộng thương mại và đầu tư với Mỹ. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Thứ hai, các công ty Mỹ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu, cụ thể là trong các lĩnh vực nông nghiệp, máy móc, máy bay và dược phẩm, tất cả đều góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn và vẫn là nguồn cung cấp chính cho hàng điện tử tiêu dùng, đồ nội thất, chất bán dẫn và các linh kiện khác, hàng may mặc và giày dép nhập khẩu.
Việc công nhận quy thế thị trường cũng sẽ góp phần giảm bớt các rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Việt Nam dễ dàng hơn và rẻ hơn.
Thứ ba, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể khuyến khích hơn nữa các công ty Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hướng tới Việt Nam.
Ngoài ra, giá nhập khẩu thấp hơn và khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện có thể cho phép các công ty Mỹ tăng sản lượng và sản xuất tại Việt Nam. Điều này mang lại tiềm năng tăng doanh thu bán hàng và lợi nhuận cho các công ty Mỹ hoạt động tại Việt Nam.
Viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất điện, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, quản lý dự án môi trường và công nghệ sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho các công ty Mỹ.
“Mỹ nên trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện” – ông Murray Hiebert, Giám đốc Nghiên cứu tại Bower Group Asia ở Washington, D.C cũng đồng tình với nhận định của tác giả James Borton.
Các công ty từ Apple đến Intel đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Phòng Thương mại Mỹ cũng ngày càng quan tâm đến việc ủng hộ việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Hiện đã có tổng cộng 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nổi bật là Vương quốc Anh, Canada, Australia và Nhật Bản.
Đã hai thập kỷ kể từ khi Mỹ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm phi lê cá đông lạnh vào năm 2002. Kể từ đó, thế giới đã chứng kiến sự phát triển và cải cách kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.
Những nỗ lực tích cực của Việt Nam nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư quốc tế đã mang lại kết quả đáng kể. Chiến dịch chống tham nhũng đã mang lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế như giảm chi phí kinh doanh không chính thức, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực và xóa bỏ các nhóm lợi ích cố hữu để thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ khoảng 5,6-6% bất chấp những bất ổn do căng thẳng địa chính trị và những lo ngại về suy thoái kinh tế ở các nước phát triển.
Tác giả kết luận, giờ là thời điểm Bộ Thương mại Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì ngày càng có nhiều mối đe dọa về môi trường, kinh tế và an ninh mà nếu Mỹ trao cho Việt Nam quy chế này, hai nước có thể cùng nhau giải quyết tốt hơn.