Với mức độ gấp rút tương tự, Mỹ triển khai ngay việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraina. Cả Ukraina lẫn EU và NATO đều thở phào nhẹ nhõm vì sự trợ giúp muộn màng nhưng chưa đến mức quá muộn này đối với Ukraina trước những hoạt động tấn công lấn tới dồn dập của quân đội Nga trên thực địa chiến trường ở Ukraina.
Trong gói tài chính này của Mỹ, Ukraina nhận được 60,8 tỉ USD. Mỹ khẳng định tiếp tục là nước đổ nhiều tiền của nhất vào Ukraina để giúp nước này trước hết không bị Nga đánh bại và sau đó để hậu thuẫn nước này chiến thắng Nga.
Đối với nước Mỹ, việc thông qua gói tài chính viện trợ này là sự gắng gượng về chính trị với cái giá đắt phải trả về đối nội. Giữa Đảng Dân chủ của ông Biden và Đảng Cộng hòa bị cựu Tổng thống Donald Trump kiềm chế về cơ bản có sự đồng thuận quan điểm trong việc giải cứu Ukraina, nhưng ở phía Đảng Cộng hòa lại có sự bất đồng quan điểm và phân rẽ nội bộ rất sâu sắc. Cho nên có thể thấy gói tài chính viện trợ này giúp Mỹ duy trì được vị thế trong cuộc chơi chính trị an ninh thế giới và có lợi cho ông Biden trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại ở nước Mỹ.
Chỉ có điều Mỹ đâu có vô tư khi đổ tiền của vào Ukraina. Số tiền lớn này được sử dụng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quân sự ở Mỹ và Ukraina nhận được vũ khí, đạn dược Mỹ vốn có sẵn và tàng trữ lâu nay ở châu Âu. Chúng sẽ được thay thế bằng sản phẩm mới và hiện đại hơn của Mỹ. Với danh nghĩa giúp Ukraina, Mỹ giúp nền kinh tế và công nghiệp quân sự của Mỹ trước.
Không phải Ukraina và các đồng minh không biết điều này. EU cũng hành động tương tự khi viện trợ quân sự cho Ukraina. Nhưng đối với Ukraina thì có vẫn còn hơn không và cũ người nhưng mới ta.
Câu hỏi được đặt ra là liệu Mỹ còn có thể tiếp tục đổ tiền của vào Ukraina bao lâu nữa khi Ukraina chẳng khác gì cái thùng không đáy và cuộc chiến với Nga chưa biết đến khi nào mới kết thúc.