Sputnik đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với kênh YouTube Dialogue Works, nhà phân tích người Mỹ Michael Hudson cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga do Tổng thống Joe Biden đưa ra và được châu Âu ủng hộ đã có tác dụng như ông Biden mong đợi: Chúng cắt đứt châu Âu khỏi Nga, chia cắt châu Âu, và hơn nữa, chính nền tảng cho sự thịnh vượng của Tây Âu trong suốt 30 năm qua đã mất. Nhờ vậy, sự thịnh vượng mà châu Âu không còn giờ đã đến với Nga.
Theo ông Michael Hudson, đây là kết quả tư duy kém cỏi của chính quyền Mỹ, khi họ cho rằng thông qua các biện pháp trừng phạt có thể buộc các nước khác phải tuân theo chính sách của mình.
Ông Hudson lưu ý, do hành động của phương Tây nên Nga và Trung Quốc đã quyết định tạo ra một hệ thống thế giới thay thế dưới hình thức BRICS.
“Điều này cũng có tác động tích cực đến cấu trúc, hệ tư tưởng của Nga và nhận thức cho rằng ngoài chủ nghĩa tự do mới, phương Tây thật ra không có gì để đề xuất với Nga, Trung Quốc hoặc các nước khác” – ông Hudson kết luận.
BRICS gần đây đã mở rộng và hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ethiopia, Saudi Arabia, Iran và Ai Cập.
RT đưa tin, phát biểu bên lề Diễn đàn Hòa bình Thế giới lần thứ 12 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 7.7, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho hay, các nước thuộc khối kinh tế BRICS đang nỗ lực xây dựng một hệ thống tài chính độc lập với sự thống trị của các bên thứ ba.
Tháng trước, Thứ trưởng Tài chính Nga Ivan Chebeskov nói với truyền thông rằng Nga đang nỗ lực tạo ra cơ sở hạ tầng giao dịch và thanh toán cùng với ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên BRICS. Ông nêu rõ, BRICS đang nỗ lực triển khai nền tảng BRICS Bridge để thanh toán bằng tiền tệ quốc gia.
Hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) xác nhận kinh tế Nga vượt trội so với kỳ vọng và nâng dự báo tăng trưởng GDP của Nga lên 2,9% trong năm 2024.
Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024. Theo dự báo của tổ chức này, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, vượt tốc độ tăng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố rằng kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu đang trở thành quá khứ, dù phương Tây không muốn thừa nhận điều này.
Theo nhà lãnh đạo Nga, tình trạng căng thẳng toàn cầu chỉ có thể giảm bớt bằng cách tăng cường triệt để hệ thống thế giới đa cực hiện đại.
Trong thông điệp gửi tới Quốc hội Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi vạch ra một “đường nét an ninh thế giới” mới, đồng thời lưu ý rằng Nga sẵn sàng đối thoại với tất cả các nước.