Lỗ hàng chục triệu đồng sau làn sóng bỏ cọc
Vụ lúa đông xuân 2024 vừa rồi ông Nguyễn Văn Mau (thương lái thu mua lúa tại TP Cần Thơ) không thể thỏa thuận lại giá với nông dân vì giá lúa giảm sâu sau khi đặt cọc. Việc thương thảo không thành khiến người đàn ông này lỗ gần 20 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Mau cho biết, thời điểm sau Tết Nguyên đán ông đã đặt cọc gần 15 hộ với mức giá từ 7.800 – 8.500 đồng/kg. Đến cận ngày thu hoạch giá lúa sụt giảm liên tục còn khoảng 6.500 – 7.200 đồng/kg.

“Giá lúa giảm quá sâu so với thỏa thuận ban đầu nếu tăng giảm dưới 1.000 đồng thì 2 bên cùng chịu, vì lẽ đó mà khó thỏa thuận. 15 hộ đặt cọc tôi thuyết phục được 6 hộ, còn lại phải chấp nhận bỏ cọc lỗ 15 triệu đồng vì nếu thu mua sẽ lỗ nặng hơn”, ông Mau cho hay.
Xuôi ghe dọc các sông lớn nhỏ ở miền Tây thu mua lúa hơn 15 năm qua, ông Nguyễn Văn Bảy (thương lái thu mua lúa tỉnh Hậu Giang) lần đầu chịu mất gần 20 triệu đồng tiền cọc cũng vì không thể thỏa thuận sau khi lúa rớt giá.
“Thấy lúa trên đà tăng nên tôi chủ quan, đặt cọc sớm để thu mua được nhiều, sau đó lúa giảm mạnh trở tay không kịp. Vụ rồi tôi chỉ mua được 20 tấn lúa, mất 25 tấn so với dự định ban đầu do không thương lượng được nên phải bỏ cọc”, ông Bảy nói.
Cần tăng uy tín với nông dân
Thông thường cách thời điểm thu hoạch lúa khoảng 20 ngày, ông Bảy sẽ đi đặt cọc từng hộ, thế nhưng vụ lúa hè thu năm nay người thương lái này chỉ cọc trước 3-5 ngày thu hoạch vì e ngại giá lúa sụt giảm như vụ rồi.

“Lần này tôi rút kinh nghiệm, theo dõi thị trường thường xuyên chờ cận ngày thu hoạch mới đặt cọc. Thời gian cọc đến thu hoạch càng ngắn thì sẽ hạn chế được sự chênh lệch giá lúa nhiều, tránh lỗ và tránh bẻ kèo với nông dân”, ông Bảy nói.
Trao đổi với phóng viên, người thương lái này cũng bộc bạch khó khăn vì mối quan hệ giữa thương lái và nông dân bị ảnh hưởng sau làn sóng bỏ cọc.
“Trước nay tôi thu mua đều là thỏa thuận bằng miệng, buôn bán với nhau bằng uy tín. Sau vụ bỏ cọc, hiện tôi chỉ mua được của người quen, và rất khó thu được những hộ khác vì họ ngại bán cho người lạ sợ sẽ bị bỏ cọc hoặc kiên quyết kí hợp đồng nên cũng gây khó khăn thu mua”, ông Bảy nói.
Không ngoại lệ, ông Mau cũng gặp khó khăn tương tự. “Một số nông dân nhận cọc qua cò lúa, cò hét giá cao để tranh mua, sau đó rớt giá mà không hỗ trợ khiến nông dân e ngại. Nếu được hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, chẳng hạn như cấp giấy hành nghề cho thương lái để tạo niềm tin, tăng uy tín với nông dân thì tôi nghĩ việc mua bán dễ dàng hơn”, ông Mau nói.
Cũng liên quan đến việc thương lái bỏ cọc, trước đó, tại Hội thảo phát triển bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo được tổ chức ngày 2.5 ở TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Trần Minh Hải nhận định: “Thời gian qua, sự liên kết giữa thương lái và nông dân bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn, thời điểm thu hoạch, giá cả được quyết định bởi thương lái, điều này đôi lúc trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ giữa thương lái với người sản xuất lúa”.
Ông Hải cho rằng, thương lái cần được có giấy chứng nhận hành nghề; được đăng ký hành nghề (để giúp phân biệt thương lái tốt và thương lái chưa tốt); Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm… Từ đó giảm tình trạng bẻ kèo, mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả…