Doanh thu tăng cả trăm tỉ, một công ty bia vẫn lỗ
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2024 của Công ty CP Bia Hà Nội – Thanh Hóa cho thấy doanh thu thuần quý đạt gần 440 tỉ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên giá vốn tăng cao hơn, lợi nhuận gộp của Bia Thanh Hóa giảm. Nhờ tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, doanh thu hoạt động tài chính tốt hơn, công ty vẫn báo lãi sau thuế gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 3,8 tỉ đồng.
Gộp cả 6 tháng đầu năm nay, Bia Thanh Hóa đạt doanh thu thuần 717 tỉ đồng, tăng gần 18%, tương ứng gần 110 tỉ đồng.
Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới 667 tỉ đồng, tăng gần 10%. Cộng thêm các loại chi phí khác “đội” lên, kết quả Bia Thanh Hóa báo lỗ hơn 3,7 tỉ đồng, cao hơn mức âm 1,5 tỉ đồng cùng kỳ.
Theo lãnh đạo Bia Thanh Hóa, nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông làm cơ hội kinh doanh ngành bia ngày càng thu hẹp. Để giữ thị trường, công ty phải gia tăng chi phí để cải thiện cả chất lượng sản phẩm lẫn dịch vụ.
Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là công ty mẹ nắm 55% vốn của Bia Hà Nội – Thanh Hóa. Quý 2 này, chủ hãng bia Hà Nội cũng ghi nhận doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm.
Cụ thể doanh thu thuần quý 2-2024 của Habeco đạt 2.305 tỉ đồng, tăng gần 11% cùng kỳ. Giá vốn tăng thấp hơn, chỉ khoảng 7%, đạt 1.662 tỉ đồng.
Tuy nhiên doanh thu hoạt động tài chính kỳ này của Habeco giảm mạnh, chi phí bán hàng lại “đội” lên gần 44%. Cuối cùng, lãi sau thuế quý 2 đạt gần 172 tỉ đồng, giảm gần 9% cùng kỳ.
Do quý 1 lỗ gần 21 tỉ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm nay Habeco lãi sau thuế 150 tỉ đồng, giảm 18%.
Có nơi lãi cao trả lại, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều
Trường hợp hiếm hoi chuyển từ lỗ sang lãi trong quý 2 là Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Quảng Bình. Cụ thể doanh nghiệp bia này báo lãi 1,6 tỉ đồng trở lại, còn cùng kỳ lỗ 903 triệu đồng.
Trong khi đó, ông lớn ngành bia là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận tăng trong quý 2.
Cụ thể Sabeco đạt doanh thu thuần hơn 8.086 tỉ đồng quý 2-2024, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận sau thuế đạt 1.318 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất kể từ quý 4-2022.
Lũy kế cả nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của ông chủ hãng bia Sài Gòn đạt 15.269 tỉ đồng, lại tăng 5% so với cùng kỳ.
Sabeco tỏ ra hiệu quả hơn trong việc tiết giảm các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay. Lũy kế 6 tháng, công ty bia nội địa có thị phần lớn nhất lãi ròng hơn 2.342 tỉ đồng, tăng 6% cùng kỳ.
Ông Tan Teck Chuan Lester – tổng giám đốc Sabeco – cho biết dù nghị định 100 được thực thi nghiêm ngặt cùng sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng khác, nhưng doanh thu thuần nửa năm nay vẫn cao hơn cùng kỳ chủ yếu nhờ tác động tích cực của việc tăng giá.
“Tương tự, lợi nhuận ròng cao hơn do chi phí bán hàng thấp hơn, giúp giảm nhẹ một phần thu nhập từ lãi tiền gửi và phần lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết thấp hơn”, lãnh đạo Sabeco lý giải.
Trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn, phần lãi từ các công ty liên doanh liên kết Sabeco nhận về cũng thấp hơn 64% so với cùng kỳ, chỉ đạt 28 tỉ đồng tại quý 2 năm nay.
Tại CTCP Bia Sài Gòn – Miền Tây (WSB), lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 18% cùng kỳ.
Buồn hơn là CTCP Bia Sài Gòn – Phú Thọ (BSP), đơn vị liên kết của Sabeco, lợi nhuận sau thuế còn âm hơn 1 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 260 triệu đồng. Theo lãnh đạo BSP, tổng sản lương tiêu thụ trong quý 2-2024 đạt 12,2 triệu lít, giảm so với cùng kỳ 0,4 triệu lít.
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đưa tin, cuối tháng 6, Heineken Việt Nam xác nhận thông báo tạm dừng hoạt động nhà máy bia Heineken tại Quảng Nam.
Cũng như nhiều công ty nội, doanh nghiệp bia ngoại này cho rằng việc triển khai nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen mới của người tiêu dùng.
Kết quả thị trường bia Việt Nam sụt giảm liên tục doanh số.