ACB chủ động xây dựng hệ thống xác thực đa tầng
Thực tế trước sự gia tăng của tội phạm công nghệ, các ngân hàng cũng đã liên tục cập nhật và triển khai nhiều chức năng nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng trên không gian số.
Như ACB đã chủ động loại bỏ các tài khoản ảo từ bước mở tài khoản qua các công nghệ định danh eKYC, Video Call Face Identity hay IDCheck đối chiếu với dữ liệu căn cước công dân lưu tại Bộ Công an, ngăn chặn hiệu quả việc giả mạo giấy tờ tùy thân khi giao dịch với ngân hàng.
Đặc biệt ACB đã triển khai chức năng tự động phát hiện và cảnh báo những ứng dụng khả nghi được cấp quyền trợ năng (Accessibility) trên điện thoại của khách hàng, có nguy cơ chiếm quyền kiểm soát điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Theo quyết định số 2345/QĐ-NHΝΝ, tháng 7 vừa qua ACB cũng đồng loạt triển khai combo xác thực khuôn mặt kết hợp ACB Safekey – phương thức xác thực giao dịch online với mã OTP ngay trên app, nâng cấp hệ thống xác thực đa tầng.
Khách hàng ACB yên tâm không chỉ tài khoản mà các giao dịch cũng được đảm bảo “chính chủ”, kể cả khi bị đánh cắp danh tính, tội phạm khó có thể lấy được tiền của chủ tài khoản.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 1 triệu khách hàng của ACB đăng ký xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt thành công.
Bên cạnh đó, theo thông tư 17, 18/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ giao dịch trực tuyến của khách hàng sẽ bị gián đoạn nếu chưa hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học với ngân hàng.
Do đó, ACB cũng khuyến nghị tất cả khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt bằng thẻ căn cước công dân gắn chip/thẻ căn cước trước 1-1-2025 để không bị gián đoạn toàn bộ giao dịch trực tuyến.
Xác thực đa tầng nhưng cũng phải nâng cao cảnh giác
ACB đã ra mắt trang chuyên đề an toàn bảo mật, nhằm hướng dẫn khách hàng các nguyên tắc giao dịch an toàn, cập nhật các thủ đoạn lừa đảo cũng như hướng dẫn ứng xử trong các tình huống khẩn cấp.
Khách hàng chủ động tham khảo 24 hình thức lừa đảo phổ biến để bảo vệ mình và người thân.
Trong đó các phương thức như lừa đảo tình cảm dẫn dụ đầu tư tài chính, giả danh công an, viện kiểm sát yêu cầu chuyển tiền, giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu,.. đều được xếp chung vào “con artist” – tạo dựng niềm tin nhằm trục lợi.
Kẻ lừa đảo thường thao túng tâm lý và dẫn dụ nạn nhân tự nguyện trao tài sản, phổ biến nhất là chuyển khoản đến các số tài khoản được chỉ định. Khi đó các lớp xác thực đa tầng hay hệ thống bảo mật chặt chẽ từ ngân hàng đều dễ dàng bị vượt qua bởi chính chủ tài khoản.
Các đối tượng thường được nhóm lừa đảo nhắm đến như là người lớn tuổi đã về hưu, tiểu thương, phụ nữ làm công việc nội trợ,…
Nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn này, định kỳ ACB thực hiện rà soát để phát hiện, cập nhật các trường hợp có khả năng bị rò rỉ thông tin (tài khoản, thẻ,…) và liên hệ khách hàng để kịp thời cảnh báo và hướng dẫn xử lý.
Các khách hàng lớn tuổi hoặc các khách hàng thường được nhóm lừa đảo nhắm đến thường xuyên được ACB lưu ý trong các bản tin truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cũng liên tục cập nhật các số tài khoản nghi ngờ gian lận để khóa chiều chuyển khoản đến các tài khoản này nhằm tránh phát sinh thêm thiệt hại.
Song song đó, việc truyền thông cảnh báo, nâng cao nhận thức và hợp tác, báo cáo thông tin cho các cơ quan chức năng cũng được tiến hành thường xuyên nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Tuy nhiên bên cạnh lớp phòng vệ từ hệ thống công nghệ, ACB cũng khuyến khích người dùng tìm hiểu các nguyên tắc giao dịch an toàn để bảo vệ bản thân, đảm bảo an toàn giao dịch.
ACB khẳng định ngân hàng số vẫn là kênh giao dịch ngân hàng an toàn, tiện lợi, miễn là khách hàng nắm chắc các nguyên tắc giao dịch an toàn cơ bản để phòng tránh rủi ro.
Để được hỗ trợ về đăng ký xác thực khuôn mặt trên ACB ONE, khách hàng vui lòng liên hệ Contact Center 028 38 247 247 hoặc (028) 35 14 54 86 hoặc đến các chi nhánh/phòng giao dịch ACB gần nhất.