Nhà sản xuất máy bay Airbus đã đưa ra lời xin lỗi công khai sau khi bị cáo buộc cấm công dân Trung Quốc lên máy bay vận tải quân sự A400M của hãng trong một sự kiện của Triển lãm Hàng không Singapore 2024 hôm 24.2.
Nhiều khách Trung Quốc tại triển lãm thương mại đã đăng trên mạng xã hội phàn nàn rằng họ bị quân nhân Đức cấm lên máy bay Airbus, thuộc sở hữu của Không quân Đức, trong triển lãm hàng không.
Trong đoạn video do một người Trung Quốc đăng tải, người phụ nữ ở lối vào A400M yêu cầu kiểm tra quốc tịch của người này “vì đây là máy bay Đức”.
Hoàn cầu Thời báo cho biết vị khách khẳng định đã quay phim nhân viên Đức “đuổi anh ta” đi sau khi biết anh ta là người Trung Quốc.
Một blogger thứ hai nói người Đức đã tấn công anh ta, khiến anh ta phải nộp đơn khiếu nại chính thức lên ban tổ chức Triển lãm Hàng không Singapore, cáo buộc “phân biệt đối xử đối với người Trung Quốc”. Du khách Trung Quốc được cho là đã được phép lên máy bay quân sự của các nước khác.
Mặc dù Airbus không đề cập rõ ràng liệu công dân Nga có bị cấm như một số thông tin cáo buộc trên mạng xã hội hay không, song hãng thừa nhận trong một tuyên bố rằng một số du khách đã “đặt câu hỏi về quyền tiếp cận” máy bay của hãng.
Airbus đồng thời khẳng định đã “ngay lập tức liên lạc, phối hợp với khách hàng và đội ngũ Airbus tại triển lãm để đảm bảo rằng máy bay luôn mở cửa cho tất cả du khách” trong thời gian còn lại của sự kiện.
Nhà sản xuất máy bay châu Âu nhấn mạnh, hãng “tìm kiếm sự hợp tác cùng có lợi với ngành hàng không Trung Quốc” và đặt mục tiêu xây dựng “cầu nối liên lạc” giữa Trung Quốc và châu Âu.
Airbus thống trị thị phần máy bay chở khách trong những năm gần đây do đối thủ cạnh tranh Boeing của Mỹ gặp phải một chuỗi dài các vấn đề sản xuất có thể gây chết người.
Lỗi máy tính trên máy bay Boeing 737 MAX 8 đã khiến hai máy bay chở đầy hành khách ở Indonesia và Ethiopia thiệt mạng vào năm 2018 và 2019. Hai vụ tai nạn cũng khiến hàng trăm máy bay thương mại phải ngừng hoạt động trong gần hai năm.
Chiếc máy bay thay thế của 737 MAX 8 là 737 MAX 9, cũng bị cấm bay và bị cơ quan quản lý Mỹ cấm sản xuất sau khi chuyến bay của Alaska Airlines gặp sự cố bung cửa giữa không trung vào tháng trước.
EU và Mỹ từ lâu đã phàn nàn về cáo buộc Trung Quốc đánh cắp và giám sát công nghệ quân sự phương Tây. Mỹ gây áp lực buộc Anh và các nước EU cấm Huawei sử dụng cơ sở hạ tầng 5G của họ, vì sợ rằng thiết bị của công ty này có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm của phương Tây cho chính phủ Trung Quốc.
Cho đến nay, không có bằng chứng nào về các cáo buộc đã được công khai.