Trước câu chuyện trên, giá lúa gạo Việt Nam, cơ hội gạo Việt và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ ra sao, khi chặng đường về đích cuối năm chỉ còn vài tháng, nhận được nhiều quan tâm.
Ngày 17-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khẳng định việc Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu gạo vẫn không ảnh hưởng đến gạo Việt Nam, nhưng tăng cơ hội cho ngành hàng khi Philippines tăng nhu cầu nhập khẩu gạo so với kế hoạch đầu năm.
Ông Nam nói: “Nhu cầu lớn nên Indonesia, Philippines, Malaysia tăng nhu cầu nhập khẩu so với kế hoạch các quốc gia này đưa ra từ đầu năm.
Gạo Việt càng có cơ hội mạnh dồn về cuối năm. Ngoài ra, dù Ấn Độ có cấm xuất khẩu gạo hoặc có xuất khẩu trở lại cũng không ảnh hưởng thị trường vì phân khúc chất lượng gạo của Ấn Độ khác với Việt Nam và Thái Lan”.
Ông Nam cũng đưa ra con số để so sánh, cụ thể xuất khẩu gạo 8 tháng năm nay đạt hơn 6,15 triệu tấn, mang về 3,85 tỉ USD.
Trong khi sản lượng gạo theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến xuất khẩu năm 2024 khoảng 7,6 triệu tấn.
“Chỉ còn 4 tháng nữa hết năm. Từ 7,6 triệu tấn theo kế hoạch, đã xuất khẩu được 6,15 triệu tấn. Vậy còn lại khoảng 1,45 triệu tấn và đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân với giá tốt”, ông Nam tính.
Đồng tình với nhận định này, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho rằng Indonesia mời thầu là cơ hội cho gạo Việt và Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu gạo vẫn không tác động đến ngành hàng lúa gạo Việt.
“Vì Việt Nam có gạo chất lượng, giá rất cạnh tranh. Những cuộc đấu thầu quốc tế gạo, gạo Việt luôn áp đảo, thắng thế. Nhưng không riêng ở Indonesia, kể cả Philippines hay thị trường khác, gạo Việt cần đa dạng sản phẩm để có nhiều “cửa” vào.
Khi thị trường này biến động, doanh nghiệp có đa dạng sản phẩm sẽ chủ động được rất nhiều, giữ thế cho gạo Việt Nam”, vị này nói.