Những câu hỏi về MH370 mất tích từ năm 2014 vẫn chưa được trả lời vào năm 2024. Điều quan trọng nhất trong số đó là lý do MH370 rẽ hướng theo cách dường như có kiểm soát về phía Ấn Độ Dương và quan trọng hơn là tại sao 2 thiết bị theo dõi và liên lạc quan trọng trên máy bay lại im lặng.
Điều này khiến các thuyết âm mưu về MH370 tập trung vào cơ trưởng Zaharie và cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi. Giả thuyết nhắm vào phi công MH370 càng mạnh hơn khi dữ liệu phục hồi từ thiết bị mô phỏng chuyến bay của cơ trưởng Zaharie cho thấy ông từng có kế hoạch cho lộ trình bay tới phía nam Ấn Độ Dương.
“Trên thực tế, giờ đây có thể biết chắc chắn nhiều điều về số phận của MH370. Đầu tiên, vụ mất tích là hành động có chủ ý. Thật không thuyết phục khi cho rằng đường bay đã biết, các thiết bị liên lạc vô tuyến và điện tử cũng im lặng, là do sự kết hợp giữa lỗi hệ thống và sai sót của con người” – William Langewiesche – phi công, nhà báo điều tra – viết trên tờ Atlantic năm 2019.
Langewiesche tin rằng, cơ trưởng Zaharie có thể cử cơ phó ra khỏi buồng lái để làm một số việc vặt, sau đó tắt phần lớn hệ thống điện và cố tình giảm áp suất máy bay, khiến mọi người trong cabin mất khả năng hoạt động trong vòng vài phút.
Theo The Sun, phim tài liệu “Why Planes Vanish: The Hunt For MH370” (Vì sao máy bay mất tích: Cuộc truy tìm MH370) xem xét giả thuyết cơ trưởng Zaharie đứng sau vụ tự sát – giết người được lên kế hoạch kỹ.
Theo giả thuyết này, cơ trưởng đã làm việc cho hãng hàng không Malaysia Airlines khoảng 30 năm đã cho máy bay bay trong 7 giờ sau khi ngắt liên lạc với giới chức không lưu. Cơ trưởng MH370 cố tình giảm áp suất trong cabin để “vô hiệu hóa” khiến hành khách và phi hành đoàn có thể tử vong 20 phút sau đó.
Giám đốc khủng hoảng của Malaysia Airlines thời điểm MH370 mất tích – Fuad Sharuji – cho hay: “Không có tín hiệu cấp cứu, không có trường hợp khẩn cấp nào. Chúng tôi đã nỗ lực liên lạc với chuyến bay bằng nhiều cách, bao gồm hệ thống liên lạc vệ tinh của phi hành đoàn nhưng chúng đều không hoạt động”.
Các nhà khoa học tại công ty Inmarsat ở London, Anh sau đó phát hiện ra một vệ tinh nhận được tín hiệu hàng giờ từ MH370 trong vòng 7 giờ sau khi máy bay mất liên lạc.
Dữ liệu sâu hơn từ radar quân sự cho thấy MH370 đã quay đầu lại ngay sau khi ngắt liên lạc, bay trở lại Kuala Lumpur và vòng qua Indonesia.
Jean Luc Marchand – cựu giám đốc nghiên cứu không lưu tại Eurocontrol và cựu phi công Patrick Lelly, nghiên cứu vụ MH370 mất tích thông qua mô phỏng đã tin rằng, chỉ phi công dày dặn kinh nghiệm mới thực hiện được lộ trình đầy thử thách này.
Chia sẻ trong phim tài liệu mới về MH370, Jean Luc lưu ý, để “vô hình”, phi công chỉ cần tắt bộ phát đáp dùng để liên lạc với kiểm soát không lưu.
Kỹ sư hàng không vũ trụ nghỉ hưu Richard Godfrey nhận định, có những thay đổi về hướng và độ cao chứng tỏ phi công đã chọn “kết thúc” cùng máy bay.
Patrick Lelly tin rằng, phi công MH370 phải giảm áp suất trong cabin để ngăn phi hành đoàn phát cảnh báo.
“Tôi tin việc này do một phi công giàu kinh nghiệm thực hiện” – ông Jean Luc nói thêm.
Theo The Guardian, Tiến sĩ Ghouse Mohd Noor – bạn cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah – cho biết: “Gia đình cơ trưởng Zaharie vẫn đang hy vọng câu trả lời. Cánh cửa chưa đóng lại. Phải có một lời giải thích về những gì đã xảy ra”.
“Tôi ngày đêm cầu nguyện chiếc máy bay này sẽ được tìm thấy. Chúng ta ủng hộ mọi nỗ lực và những nỗ lực mới đang được thúc đẩy” – ông nói thêm.
Cựu Giám đốc khủng hoảng Malaysia Airlines – Fuad Sharuji – cho biết, gia đình cơ trưởng Zaharie bị cô lập bởi những thuyết âm mưu xoay quanh phi công MH370.
“Họ tránh xa giới truyền thông vì không thể chấp nhận những cáo buộc. Họ đang cố hết sức để tiếp tục cuộc sống” – Sharuji nói.