Sản xuất cà phê bằng cả trái tim
Trước đây, gia đình anh Lê Văn Vương (SN 1984) sớm hôm vất vả, bỏ nhiều công sức chăm sóc cho cây cà phê. Tuy nhiên, đến thời kỳ thu hoạch, gia đình anh chỉ xuất bán thô cho các đại lý thu mua nông sản quanh vùng nên thu nhập chẳng có là bao.
Đã có nhiều lúc, anh Vương đã nghĩ đến việc cắt duyên đối với cây cà phê nhưng rồi cái nghiệp vẫn cứ bám riết lấy gia đình anh cho đến tận hôm nay. Tiếp đó, những lần về quê, đi đây, đi đó… anh Vương phải bỏ ra khoản tiền hàng trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng để mua cà phê để làm quà.
Lúc này, anh Vượt mới thực sự nhận thấy gia đình mình chỉ bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần. Từ đây, anh Vương quyết tâm nghiên cứu, học hỏi cách thức tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao để được “đổi đời”.
Để tạo ra sự đột phá, anh Vương đã quyết tâm theo đuổi các khóa học chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hạt cà phê. Sau khi tích lũy đủ kiến thức, anh Vương đã quyết chí khởi nghiệp, chọn cho mình lối đi riêng và lấy tên thương hiệu cà phê mang tên “Vương Thành Công”.
Trước hết, đối với việc canh tác cà phê, anh Vương đã thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, thu hoạch cà phê chín tỉ lệ cao và phơi trên sàn lưới…
Bên cạnh những dòng cà phê rang xay dành cho pha máy và pha phin, anh Vương còn đầu tư, sáng tạo ra các sản phẩm làm từ cà phê như: Cà phê hòa tan sấy lạnh (cao cà phê pha với nước lọc), rượu vang cà phê, trà cascara (làm từ vỏ cà phê hữu cơ chín). Mới đây là sản phẩm trà hoa cà phê, cà phê làm đẹp từ cà phê hữu cơ… được thị trường đón nhận.
Hiện nay, anh Vương đã liên kết với liên kết 13 hộ dân, 2 hợp tác xã phát triển được 65ha nguyên liệu cà phê sạch. Với tâm tư, tình yêu chân thành nên các sản phẩm cà phê của anh Vương đã đạt được các chứng nhận, danh hiệu như: Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; Giấy chứng nhận hữu cơ; Chứng nhận ISO 22000:2018; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 2021…
Khi có thương hiệu, các sản phẩm cà phê rang xay (bột và hạt) có chứng nhận hữu cơ được anh Vương bán với giá từ 500.000 – 1.200.000 đồng/1kg; cà phê sấy lạnh hay còn gọi là cao cà phê bán 2 triệu/1kg nhưng được nhiều khách hàng đón nhận.
“Người làm, chế biến cà phê lúc nào cũng phải vui vẻ, hướng về cộng đồng, đặt lợi ích của xã hội lên trên… thì người thưởng thức ly cà phê mới đậm đà, sảng khoải. Do đó, khi bắt tay vào sản xuất, tôi cũng với những người nông dân đã tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, sạch từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra cuối cùng” – anh Vương chia sẻ.
Sẵn sàng truyền nghề
Điều đáng nói, sau khi tạo dựng được thương hiệu riêng cho bản thân, anh Vương không ích kỷ, giữ bí quyết cho riêng mình mà còn sẵn sàng truyền nghề, hỗ trợ cho cộng đồng cùng chế biến sâu hạt cà phê để làm giàu.
Năm 2019, anh Vương bắt đầu mở các lớp tập huấn miễn phí về kiến thức sơ chế, chế biến, rang xay, pha chế, thử nếm, marketing, các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cà phê trong nước và quốc tế. Đến nay, công ty đã tổ chức được 10 lớp học, thu hút được hơn 400 học viên là nông dân chủ cơ sở thu mua, sản xuất cà phê.
Chia sẻ về việc làm này, anh Lê Văn Vương cho biết, bản thân anh rất buồn khi nhìn thấy nhiều thương hiệu cà phê của nước ngoài lại đang có mặt, thậm chí chiếm lĩnh một phần thị trường Việt Nam. Bản thân anh chưa thành danh, thành tài, nhưng tình yêu chân thành với hạt cà phê đã thôi thúc anh phải truyền bá kiến thức chung cho hàng xóm láng giềng, cộng đồng cùng sản xuất chế biến sâu hạt cà phê.
“Mong ước của tôi trước mắt là những người nông dân “chân lấm tay bùn” cũng có thể tạo ra các sản phẩm cà phê sạch, cà phê chất lượng cao. Trước mắt, những người nông dân có thể chiếm lĩnh thị nội địa, khi thành công thì vươn ra thị trường quốc tế, làm giàu chính đáng từ cây cà phê” – anh Vương bày tỏ.
Thông qua lớp học do anh Vương tổ chức, nhiều học viên đã được nâng cao kiến thức về các công đoạn từ chăm sóc cho đến chế biến sâu hạt cà phê và ứng dụng tốt vào thực tiễn. Hiện nay, đã có nhiều học viên tự tìm cho mình lối đi riêng và thành công nhất định với thương hiệu riêng của mình.
“Lúc đầu, các lớp học đều do tôi tổ chức nhưng sau đó có nhiều chuyện gia đến hỗ trợ. Họ cho rằng, việc này rất hữu ích cho cộng đồng làm cà phê nên đã tự nguyện tham gia và đồng hành cùng tôi mở thêm nhiều lớp tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp” – anh Vương khẳng định.