Năm nay tỉnh sẽ giới thiệu với nhà đầu tư chiến lược phát triển hướng Đông và những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào khu vực này. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Tam – chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – giải thích:
Chiến lược phát triển hướng Đông (lấn biển) của Bến Tre nhằm mở ra không gian phát triển mới, tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh và thúc đẩy liên kết phát triển toàn vùng. Lấn biển nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, tạo quỹ đất phát triển và đảm bảo quốc phòng an ninh. Chiến lược này cũng thể hiện khát vọng của Bến Tre, không chỉ vươn ra phía biển mà còn vươn ra cả nước và quốc tế.
Vì sao tỉnh chọn phương án lấn biển?
Bến Tre có lợi thế 65km bờ biển. Kinh tế biển của tỉnh phát triển khá nhanh với các lĩnh vực thủy sản, du lịch sinh thái; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tỉ lệ đô thị hóa của các huyện biển cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.
Liên tục những năm qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre liên tục tăng và đang xếp hạng 7/63 tỉnh thành. Nhiều doanh nghiệp trong nước và FDI tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất; hàng trăm nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trong tám tháng qua.
Thời gian qua nhu cầu mặt bằng xây dựng nhà máy của nhà đầu tư rất lớn, nhưng tỉnh chưa đáp ứng kịp. Hai khu công nghiệp của tỉnh đã lắp đầy 100%. Tỉnh quy hoạch 8 cụm công nghiệp, trong đó 4 cụm công nghiệp đã lấp đầy gần 50%. Thực tế cho thấy tỉnh đang thiếu quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư trong thời gian tới. Giải pháp lấn biển để tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, logistics… đối với điều kiện của tỉnh Bến Tre là tối ưu hiệu quả và khả thi hơn các giải pháp khác.
Đây không phải là công việc dễ dàng, thưa ông?
Chúng tôi nhận thức sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Bến Tre với quyết tâm cao nhất trong cả hệ thống chính trị, sẽ tập trung huy động tối đa các nguồn lực và từng bước tổ chức thực hiện cho bằng được mục tiêu đặc biệt quan trọng này. Công việc này sẽ được thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ tới nữa và sẽ làm được.
Trước mắt tỉnh sẽ ưu tiên ngân sách, đồng thời tập trung thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng cầu Ba Lai 8 và khởi động tuyến đường bộ ven biển kết nối từ TP.HCM – Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng. Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu công nghiệp Phú Thuận (huyện Bình Đại) và thực hiện các thủ tục đầu tư Khu công nghiệp An Nhơn (huyện Thạnh Phú).
Hiện tỉnh đã xây dựng được vùng nuôi tôm công nghệ cao gần 4.000ha sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại ba huyện biển. Đây chính là những công trình, dự án đầu tiên cụ thể hóa chiến lược phát triển hướng Đông của Bến Tre.
Vậy ngay bây giờ có những ngành nghề, lĩnh vực nào ở ba huyện biển phù hợp chiến lược phát triển hướng Đông có thể đầu tư liền không?
Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này tỉnh Bến Tre công bố danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư vào ba huyện biển gồm: hạ tầng giao thông ven biển kết nối vùng, từ TP.HCM đến Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; hạ tầng logistics (cảng, dịch vụ vận chuyển, kho bãi); nông nghiệp và thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu; nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt; khu công nghiệp; du lịch; phát triển đô thị ven biển, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hydro xanh.
Hiện nay Khu công nghiệp Phú Thuận ở huyện Bình Đại đang hoàn thiện. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu, khảo sát để đầu tư ngay bây giờ với các dự án thứ cấp thuộc lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể khảo sát để đề xuất đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đầu tư phát triển khu dân cư, khu đô thị mới; các dự án nông nghiệp công nghệ cao; các dự án đầu tư cảng tại các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Đầu tư vào ba huyện biển của tỉnh Bến Tre trong thời điểm này sẽ có những thuận lợi gì, thưa ông?
Các huyện của Bến Tre có nhiều tiềm năng để đầu tư với các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, cảng biển-logistics, công nghiệp chế biến-chế tạo, khu đô thị-dịch vụ-du lịch tổng hợp, nông nghiệp giá trị gia tăng cao. Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh đang được triển khai. Khi hoàn thành sẽ rất thuận lợi khi kết nối với TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024 đã tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc của Luật Đất đai năm 2013.
Đồng thời có quy định về hoạt động lấn biển, trong đó quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định pháp luật.
Vậy khi nào tỉnh sẽ tiến hành thực hiện việc lấn biển ở Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú?
Lấn biển là công việc rất lớn và khó, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức, tâm huyết, sự quyết tâm nên tỉnh phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đủ các cơ sở về pháp lý trước khi triển khai thực hiện. Những việc này chúng tôi đã bắt đầu làm rồi.
Ngày 16-4-2024, Chính phủ đã ban hành nghị định số 42/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động lấn biển, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bến Tre triển khai đầu tư các công trình lấn biển, dự án lấn biển theo định hướng quy hoạch tỉnh.
Hiện Bến Tre đang tập trung vận động mọi nguồn lực để từng bước khảo sát, nghiên cứu, lập đề án, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Từ đó xác định rõ lộ trình, phân kỳ thực hiện và bố trí nguồn lực hợp lý để trình xin chủ trương, cơ chế, chính sách của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.