Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Riêng việc thực hiện di dời các nhà máy vào các khu công nghiệp sẽ được thực hiện có lộ trình, có đánh giá tác động, có chính sách để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế
UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức cuộc tiếp xúc gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng trong tỉnh. Đây là hoạt động nhằm trực tiếp lắng nghe những chia sẻ về vướng mắc, khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải. Qua đó, các sở ngành, lãnh đạo tỉnh sẽ thực hiện tháo gỡ, hỗ trợ tạo điều kiện thông thoáng nhất về cơ chế chính sách để doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế.
Tại cuộc gặp gỡ, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như nhận thấy tính cấp bách cần thiết phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, qua đó thường xuyên lắng nghe, chủ động nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập nhóm Zalo với cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan trả lời, phản hồi được 180/189 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp. Các nội dung phản ánh, kiến nghị nhiều nhất là thủ tục hành chính, tài chính, thuế, hải quan, việc làm, lao động, đất đai, xây dựng, môi trường, PCCC.
Ngoài ra, nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý phản ảnh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đang xây dựng ứng dụng tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trên ứng dụng “Bình Dương Số”; xây dựng Zalo Official Account (Zalo OA) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua đó Zalo OA là kênh mạng xã hội chính thống nhằm triển khai rộng rãi hơn công tác nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi để doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.
Thông tin về giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, bà Phan Thị Khánh Duyên – Phó Giám đốc Sở Công Thương – cho biết, ngành sẽ duy trì hoạt động tổ chức Hội nghị xúc tiến, thông tin thị trường xuất khẩu (định kì tổ chức 1 lần/tháng) cho Hiệp hội, doanh nghiệp.
Đặc biệt, tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Về vay vốn, ông Võ Đình Phong – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết, đơn vị vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khác để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp…
Việc di dời nhà máy sẽ được thực hiện có lộ trình
Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong thời điểm này là việc thực hiện chủ trương di dời nhà máy đang xen kẽ trong các khu dân cư ở phía Nam vào trong các khu công nghiệp ở phía Bắc tỉnh Bình Dương.
Đây là chủ trương được ban hành từ năm 2019. Theo lộ trình, đề án thực hiện từ năm 2020 đến hết năm 2030, sẽ có hàng nghìn nhà máy ở Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và Tân Uyên phải di dời. Chỉ tạm tính ở Thuận An đã có khoảng 1.000 nhà máy, Dĩ An có khoảng 3.500 nhà máy.
Tại buổi tiếp xúc, các doanh nghiệp đều bày tỏ ủng hộ chủ trương vì mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chia sẻ để lãnh đạo tỉnh Bình Dương hiểu thêm về hoàn cảnh của doanh nghiệp và bối cảnh chung để việc thực hiện di dời được hài hòa lợi ích các bên.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, tỉnh sẽ cân nhắc xem xét cụ thể các chính sách và lộ trình cho phù hợp với tình hình của các doanh nghiệp; rà soát các doanh nghiệp theo các tiêu chí đưa ra để thực hiện cho phù hợp. Sở sẽ nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp di dời.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, đây là chủ trương lớn của tỉnh phải thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay mới lấy ý kiến các ban ngành về các tiêu chí (doanh nghiệp nào phải di dời, doanh nghiệp nào ở lại), các chính sách phù hợp, làm sao hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp di dời và quy hoạch các cụm công nghiệp. Khi đầy đủ các yếu tố này mới bắt đầu di dời.
Ông Nguyễn Văn Lộc đề nghị các sở, ngành tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, không ràng buộc các thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.