Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu dự án BRICS năm 2006 nhằm cải cách các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới.
Nam Phi gia nhập nhóm BRICS năm 2010. Nhóm BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới năm 2014 nhưng chưa bao giờ có được động lực hoặc sự gắn kết cho đến gần đây, Newsweek nhận định.
Đầu năm nay, các cường quốc khu vực quan trọng là Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chính thức gia nhập BRICS.
Đại sứ Nga tại Trung Quốc cho biết “hiện tại, số lượng quốc gia quan tâm đến BRICS lớn hơn nhiều so với khả năng kết nạp của tổ chức này”, với gần 30 quốc gia muốn nhận được lời mời gia nhập. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên NATO, và Thái Lan – quốc gia trước đây thường duy trì lập trường trung lập – giờ đây cũng muốn gia nhập BRICS.
Các quốc gia BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới, 28% sản lượng kinh tế thế giới và 47% sản lượng dầu thô toàn cầu. Một BRICS mở rộng với nhiều nhà sản xuất dầu hơn cũng như nhiều cường quốc khu vực hơn sẽ khiến Mỹ đặc biệt lo ngại vì có thể thúc đẩy quá trình phi USD hóa.
Một trong những cách BRICS đang thúc đẩy để phi USD hóa là khuyến khích “tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và tài chính” giữa các nước thành viên. Trung Quốc đã đi đầu trong nỗ lực này.
Khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra năm 2022, Trung Quốc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ để mua hàng hóa của Nga, đặc biệt là dầu mỏ và đồng nhân dân tệ đã vượt qua đồng USD để trở thành đồng tiền chính trong thương mại Trung Quốc – Nga.
Trung Quốc cũng đàm phán với các nhà sản xuất dầu lớn khác như Iran, Iraq và Saudi Arabia để hướng tới việc sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ cho các giao dịch dầu mỏ.
Năm 2023, ước tính khoảng 20% lượng dầu toàn cầu được mua và bán bằng các loại tiền tệ khác USD. Không chỉ các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ như Nga, Iran mà ngay cả Brazil, UAE và Saudi Arabia… cũng đang có động thái tự bảo vệ khỏi tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây với thương mại dầu mỏ và hàng hóa khác.
Để tránh xa đồng USD hơn nữa, Trung Quốc đang bán bớt tài sản USD, đồng thời Trung Quốc và Nga đã mua vàng ở mức kỷ lục trong những năm gần đây.
Newsweek cảnh báo, nỗ lực làm suy yếu đồng USD sẽ có những hậu quả nghiêm trọng với Mỹ và nền kinh tế nước này, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát.
Một đồng tiền chung BRICS sẽ không sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, xu hướng phi USD hóa và những dấu hiệu khác khiến Washington cần xem xét lại những gì đang thúc đẩy các quốc gia BRICS và Phương Nam toàn cầu (Global South) cùng tìm cách thay thế đồng USD – Newsweek cảnh báo.