Ngày 4.4, đài truyền hình ARD của Đức đưa tin, các doanh nghiệp Đức đang tích cực tham gia vào các nỗ lực tái thiết thành phố Mariupol. Thành phố ven biển ở Biển Đen thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk bị hư hại nặng nề trong một cuộc bao vây năm 2022 và đang được Nga xây dựng lại.
Truyền hình ARD cho biết các công ty này cung cấp máy móc hạng nặng, cửa sổ, thạch cao và các vật liệu xây dựng khác cho dự án tái thiết. ARD trích dẫn báo cáo thường niên của các công ty, các tuyên bố trên trang web của họ cũng như bằng chứng hình ảnh và video nhưng không cung cấp bất kỳ ví dụ cụ thể nào.
Một trong những công ty là Knauf – công ty hàng đầu thế giới về sản xuất thạch cao – do Nikolaus Knauf, lãnh sự danh dự lâu năm của Nga đứng đầu, theo ARD. Công ty này đã từ chối rời khỏi Nga sau khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra vào tháng 2 năm 2022 và vẫn tuyển dụng khoảng 4.000 người ở nước này.
Knauf gọi các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây là khủng khiếp, nhưng nói với ARD rằng ông phản đối chiến dịch quân sự của Mátxcơva và công ty ông tuân thủ các hạn chế của EU áp đặt lên Nga do xung đột, chỉ sử dụng chi nhánh ở Nga để cung cấp hàng hóa dành riêng cho thị trường Nga.
Công ty thứ hai được đài truyền hình nêu tên là WKB Systems GmbH có trụ sở tại North Rhine-Westphalia, chuyên cung cấp thiết bị cho các nhà máy sản xuất bê tông khối. Doanh nhân người Nga Viktor Budarin là cổ đông lớn của công ty, ARD cho biết. Theo ARD, Budarin trong nhiều năm đã sử dụng công ty Đức của mình làm nhà cung cấp cho ngành xây dựng ở Nga.
ARD lưu ý, các lệnh trừng phạt của EU không áp dụng đối với nhiều công ty xây dựng, nhưng hoạt động của các công ty nêu trên đã vấp phải sự lên án từ một số chính trị gia và chuyên gia trừng phạt ở Đức.
Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, Roderich Kiesewetter, cáo buộc Knauf “củng cố sức mạnh của Nga” trong những gì ông mô tả là “các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” – ám chỉ các khu vực cũ của Ukraina đã sáp nhập Nga vào năm 2022 sau một loạt cuộc trưng cầu dân ý.
Chuyên gia về luật trừng phạt Viktor Winkler cũng nói với đài truyền hình ARD rằng có vẻ như Đức “tham gia rất nhiều” vào việc tái thiết Mariupol và có “lý do chính đáng” để trừng phạt Budarin.
Vào giữa tháng 3, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cho biết “95% công ty phương Tây” vẫn “hiện diện một phần” ở Nga, mặc dù đã tuyên bố rời đi sau xung đột Ukraina.