Raiffeisen, UniCredit và những ngân hàng khác hoạt động ở Nga đã gặt hái lợi nhuận tăng gấp ba lần kể từ năm 2021.
Tờ Financial Times đưa tin, các ngân hàng lớn nhất của EU hoạt động tại Nga đã chứng kiến lợi nhuận tăng vọt trong năm ngoái và nộp thuế gấp 4 lần so với trước khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraina.
Một số ngân hàng nước ngoài đã rời Nga từ năm 2022 do lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, một số ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, chọn ở lại nhưng đã giảm hoạt động. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gây áp lực buộc những ngân hàng còn lại phải rời khỏi thị trường Nga.
Theo Financial Times, Ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo, UniCredit của Italy, ING của Hà Lan, Commerzbank và Deutsche Bank của Đức, cũng như Intesa Sanpaolo của Italy và OTP của Hungary đã báo cáo lợi nhuận tổng hợp ở Nga là hơn 3 tỉ euro (3,2 tỉ USD) vào năm ngoái, gấp nhiều lần so với năm 2021. Tờ Financial Times giải thích, lợi nhuận được tạo ra một phần từ số tiền mà các ngân hàng không thể rút ra khỏi Nga.
Thu nhập tăng vọt khiến các ngân hàng EU phải trả khoảng 800 triệu euro (857 triệu USD) tiền thuế, tăng từ mức 200 triệu euro vào năm 2021, theo Financial Times.
RBI – ngân hàng có sự hiện diện lớn nhất ở Nga – chiếm hơn một nửa trong số tiền thuế 800 triệu euro nói trên. Tờ báo cho biết, lợi nhuận của RBI thu được ở Nga đã tăng hơn gấp ba lần, lên 1,8 tỉ euro từ năm 2021 đến năm 2023. RBI hiện chiếm một nửa tổng lợi nhuận của Tập đoàn Ngân hàng Raiffeisen Áo, so với khoảng 1/3 trước cuộc xung đột Nga – Ukraina.
Năm 2022, Chính phủ Nga áp đặt hạn chế cấm các công ty con của Nga trả cổ tức cho doanh nghiệp của các nước phương Tây “không thân thiện”.
“Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì với tiền gửi của Nga ngoài việc giữ chúng ở ngân hàng trung ương. Vì vậy, khi lãi suất tăng, lợi nhuận của chúng tôi cũng tăng theo” – giám đốc điều hành cấp cao của một ngân hàng châu Âu có công ty con ở Nga cho hay.
Để có thể bán tài sản ở Nga, các ngân hàng cũng cần được sự đồng ý của Tổng thống Vladimir Putin.
Raiffeisen cho hay, hồi đầu tháng này rằng, họ đang bị ECB gây áp lực phải giảm nhanh hơn sự hiện diện tại Nga.
Theo Reuters, ECB cũng đang có kế hoạch yêu cầu UniCredit – ngân hàng lớn thứ hai của Italy – hạn chế hoạt động kinh doanh tại Nga. ECB lập luận rằng, việc kinh doanh tại quốc gia bị trừng phạt sẽ gây ra rủi ro về danh tiếng.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng Raiffeisen và UniCredit – vốn đã hoạt động ở Nga trong hơn ba thập kỷ – cũng bị các cơ quan tài chính ở Mỹ để mắt đến.
Cả hai ngân hàng đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, cho phép thanh toán bằng đồng euro đến và đi từ nước này.
Raiffeisen và UniCredit cũng là những thực thể nước ngoài duy nhất nằm trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của ngân hàng trung ương Nga.