Các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đang làm ăn ra sao?

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), nhiều sàn mua sắm trực tuyến ở Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh.

Shopee và TikTok Shop tiến mạnh

Số liệu từ Metric – một đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu TMĐT – cho thấy doanh số quy mô năm sàn TMĐT nêu trên trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt 143.900 tỉ đồng, tăng trưởng 54,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này lại sụt giảm gần 7% so với sáu tháng cuối năm 2023.

Mức tăng trưởng chung trong sáu tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng áp đảo của hai sàn Shopee và TikTok Shop. Và đây cũng là hai sàn có tăng trưởng về doanh số, trong khi ba sàn còn lại “đi lùi”.

Cụ thể, doanh số sáu tháng đầu năm nay của TikTok Shop tăng tới 150,5% so với cùng kỳ, Shopee ghi nhận mức tăng gần 66%. Trong khi đó Lazada, Tiki, Sendo lần lượt giảm gần 44%, 48% và 70%.

Nhìn vào tăng trưởng doanh số nêu trên, dường như ngay cả Shopee – đơn vị vốn có thị phần số 1 trong lĩnh vực TMĐT của Việt Nam – cũng đang đối mặt với sự đe dọa của TikTok Shop.

TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc), đổ bộ vào Việt Nam từ năm 2022. Dữ liệu từ Vietdata, năm 2023 doanh thu thuần của Shopee đạt hơn 18.000 tỉ đồng, tăng 70%, còn TikTok Shop đạt gần 890 tỉ đồng năm 2023, tăng khoảng 80% so với năm trước. Cả hai đều có lãi.

Sàn Việt đuối sức?

“Đáng bận tâm” nhất có lẽ là Tiki và Sendo, hai đơn vị TMĐT có yếu tố Việt Nam. Dù được thành lập từ năm 2010 nhưng Tiki ngày càng tỏ vẻ “đuối sức” trong cuộc đua thị phần với các đối thủ TMĐT khác.

Bức tranh kinh doanh của Tiki phần nào được thể hiện qua số liệu đưa ra tại báo cáo tài chính của VNG – “kỳ lân” công nghệ Việt Nam.

VNG bắt đầu rót vốn vào sàn Tiki kể từ tháng 2-2016 với mức vốn ban đầu là 384 tỉ đồng, tương ứng nắm giữ tỉ lệ 38% quyền sở hữu. Sau đó, tỉ lệ sở hữu của VNG tại Tiki giảm về 22,27% tương ứng giá trị vốn góp là 510 tỉ đồng cuối năm 2020.

Chỉ sau vài năm, toàn bộ khoản đầu tư của VNG vào Tiki đã “mất sạch” do chịu phần lỗ từ công ty liên kết tương ứng với tỉ lệ sở hữu.

Điều này cũng cho thấy mức độ “đốt tiền” của các sàn TMĐT vô cùng khốc liệt. VNG cũng chỉ là một trong nhiều cổ đông khác rót vốn tại Tiki, số lỗ thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều những gì VNG đã “mất”.

Ngoài Tiki, Sendo cũng dần tỏ ra yếu thế trong cuộc đua. Sendo được thành lập năm 2012, là một dự án TMĐT của Công ty CP dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online).

Tuy nhiên đến nay FPT không sở hữu đa số phần vốn tại Sendo. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 của Công ty CP dịch vụ Trực tuyến FPT cho thấy khoản đầu tư vào Công ty CP Sen Đỏ tại thời điểm cuối năm ngoái còn hơn 3,68 tỉ đồng, chiếm 3,29% tỉ lệ lợi ích và quyền biểu quyết tại Sen Đỏ.

Dữ liệu từ Vietdata cho thấy năm 2023 Sendo đạt doanh thu thuần gần 290 tỉ đồng, nhưng lỗ sau thuế hàng trăm tỉ đồng.

Tăng trưởng ngày càng cao

Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỉ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên năm sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong ba năm trở lại đây.

Còn theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, Việt Nam là quốc gia nằm trong tốp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.

Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C (mô hình doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng cuối cùng) của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, có thể đạt 650.000 tỉ đồng vào năm 2024.

Trong đó, năm sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310.000 tỉ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

BÌNH KHÁNH


NGỌC AN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *