Mỹ đã tính toán sai lầm khi áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga – nhà kinh tế Jeff Rubin nhận định trên tờ Business Insider.
Jeff Rubin là nhà kinh tế và tác giả người Canada. Ông là cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại CIBC World Markets và hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế.
Theo ông Rubin, không chỉ nền kinh tế Nga đối mặt khó khăn mà phương Tây cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ chính những hạn chế kinh tế áp đặt lên Nga.
Ông Rubin cho rằng phương Tây có thể đã mở ra “hộp Pandora với những hậu quả không lường trước được” bằng việc thực thi các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Ông Rubin viết: “Hậu quả rõ ràng nhất trong số đó là sự trỗi dậy của lạm phát, vốn đã bị chôn vùi từ lâu trong hơn bốn thập kỷ. Các biện pháp trừng phạt là nguyên nhân dẫn đến sự hồi sinh đầy kịch tính của lạm phát”.
Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào hàng hóa của Nga, bao gồm các lệnh cấm đối với năng lượng của Nga và mức giá trần 60 USD đối với dầu của Nga xuất khẩu bằng đường biển.
Ông Rubin cho biết những biện pháp đó đã giúp làm giảm doanh thu của Mátxcơva, nhưng cũng khiến người tiêu dùng phương Tây phải chịu giá cả cao hơn. Ông lưu ý, giá lương thực và năng lượng đã tăng vọt kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, một phần vì Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu và ngũ cốc lớn nhất thế giới.
Theo ông Rubin, lạm phát có thể trở nên tồi tệ hơn nếu hoạt động thương mại của Mỹ với các đồng minh của Nga, như Trung Quốc, bị ảnh hưởng. Các công ty Mỹ có nguy cơ chuyển hoạt động sang các quốc gia có quan hệ thân thiện hơn với Mỹ, nhưng những đồng minh thân cận nhất của Mỹ lại là những quốc gia nơi người lao động có mức lương cao, điều này có thể đẩy giá cả lên cao đối với người tiêu dùng.
Chính điều đó đã buộc các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Canada phải phản ứng một cách miễn cưỡng bằng cách tăng lãi suất mục tiêu từ gần 0 lên 5%.
Ông Rubin lưu ý, Nga đã vượt qua phần lớn lệnh trừng phạt, trong khi khối các quốc gia BRICS mở rộng và trở nên gắn bó hơn. BRICS giúp bảo vệ Nga khỏi các biện pháp trừng phạt, và các nền kinh tế phương Nam toàn cầu (Global South) đang lên đã giúp Nga giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt.
“Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã được chứng minh là một tính toán sai lầm chết người. Trong quá khứ, việc mất thị trường phương Tây – đặc biệt là đối với xuất khẩu năng lượng của Nga – sẽ giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế Nga, nhưng điều đó chắc chắn không còn xảy ra nữa” – ông Rubin viết.
Chuyên gia kinh tế cho hay, ngay cả đồng USD cũng có thể trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt. Nga đã và đang phối hợp với các đồng minh để chuyển dần khỏi việc sử dụng đồng USD trong thương mại. Năm ngoái, giới chức Nga thông báo, giao dịch thương mại của Nga với Trung Quốc đã gần như loại bỏ hoàn toàn đồng USD.
“Việc trừng phạt đồng rúp và tịch thu 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga được cho là sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga. Nhưng không, thay vào đó, nó đã khiến đồng USD mất đi vị thế là đồng tiền dầu mỏ của thế giới trong 5 thập kỷ qua và có thể sớm khiến đồng bạc xanh phải trả giá nhiều hơn, mất vị trí vô song là đồng tiền dự trữ duy nhất trên thế giới” – ông Rubin viết.