Một chỉ huy NATO cảnh báo, an ninh của gần 1 tỉ người trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ đang bị đe dọa bởi những lỗ hổng lớn với các cơ sở hạ tầng dưới nước, bao gồm trang trại gió, đường ống dẫn khí và dây cáp điện, tờ The Guardian thông tin.
Phó đô đốc Didier Maleterre – Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh hàng hải liên minh NATO (MARCOM) – cho biết, mạng lưới cáp và đường ống dẫn khí dưới nước vốn không được xây dựng để chống lại một cuộc chiến tranh lai (hybrid warfare).
Chiến tranh lai – thường được xem là chiến tranh thế hệ 5 – là chiến lược quân sự sử dụng chiến tranh chính trị đồng thời với chiến tranh thông thường, chiến tranh bất thường và chiến tranh mạng.
Ông nhấn mạnh, có nhiều loại hình chiến tranh lai dưới đáy biển mà các đối thủ đang phát triển để phá hoại nền kinh tế châu Âu, thông qua cáp Internet, đường ống dẫn khí. “Tất cả nền kinh tế dưới biển của chúng ta đang bị đe dọa” – ông nói.
Bình luận này được đưa ra sau 2 vụ phá hoại đường ống dẫn khí ở Baltic được ghi nhận trong 18 tháng qua: Lần đầu tiên là đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 vào tháng 9.2022, tiếp theo là Balticconnector vào tháng 10 năm ngoái.
Dù các cuộc điều tra sâu rộng đã được nhiều quốc gia triển khai, thủ phạm trong 2 vụ phá hoại đường ống dẫn khí này vẫn chưa được xác định. Tháng 12 năm ngoái, Phần Lan cho biết, mọi dấu hiệu đều cho thấy một tàu Trung Quốc đã làm hỏng đường ống Balticconnector bằng mỏ neo.
Là thủy thủ tàu ngầm trải qua “hơn 1.000 ngày dưới đáy biển”, Phó đô đốc Maleterre chỉ ra, môi trường đã thay đổi đáng kể bởi phần lớn cơ sở hạ tầng dưới đáy biển hiện tại do khu vực tư nhân phát triển từ ban đầu nên cực kỳ dễ bị tổn thương.
“Các công ty chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng dưới đáy biển không biết rằng cuộc chiến tranh lai sẽ phát triển nhanh chóng đến vậy. Hơn 90% Internet nằm dưới biển. Tất cả các liên kết của chúng tôi, giữa Mỹ, Canada và châu Âu đều được truyền dưới biển nên có rất nhiều lỗ hổng” – ông nói.
Phó đô đốc Maleterre lưu ý, Marcom có “hơn 100 tàu, tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường” tuần tra các vùng biển gồm Bắc Cực, Biển Đen, Đại Tây Dương, Baltic và Địa Trung Hải.
“Đây là vấn đề an ninh với gần 1 tỉ dân thường ở các quốc gia NATO. Chúng ta cần được bảo vệ và cung cấp đầy đủ từ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước của chúng ta” – ông lưu ý.
Ông chỉ ra, giám sát thường xuyên mọi tuyến cáp dưới đáy biển là không khả thi. Rất nhiều quốc gia – Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch – đã phát triển máy bay không người lái, cảm biến, phương tiện không người lái dưới nước để có thể phát hiện rất nhanh những dấu hiệu bất thường, đáng ngờ.
Nỗi lo về an ninh dưới biển ngày càng tăng cao khiến NATO đang trong quá trình thành lập một trung tâm chuyên giải quyết vấn đề này tại trụ sở chính của Marcom ở Northwood, ngoại ô phía tây bắc London, Anh.
Bằng cách sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo, Marcom có thể phát hiện và theo dõi hoạt động đáng ngờ trên biển, như tàu tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS).
Marcom cũng đang sử dụng vệ tinh, các cảm biến từ đáy biển đến không gian, để có thể xác định hoạt động đáng ngờ.
Việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO được coi là đặc biệt quan trọng với việc bảo vệ vùng Baltic và Bắc Cực.
Kinh nghiệm của Thụy Điển ở cả 2 khu vực “sẽ ngay lập tức củng cố khả năng của NATO trong việc phát hiện và ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược nào trong khu vực.
Phó đô đốc Maleterre chỉ ra, Thụy Điển gia nhập đặc biệt giúp NATO có thêm tàu ngầm, tàu quét mìn, lực lượng đặc nhiệm cùng các tàu thuyền nhanh, mạnh.