Luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch
Ông Ngô Quyền, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Caosu Việt Lào, một trong những người đầu tiên đến trồng caosu ở Huyện Bachiang, tỉnh Champasak, kể: Lúc đầu, công ty gặp muôn vàn khó khăn do mọi thứ đều thiếu thốn, thêm vào đó do bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán thói quen sinh hoạt, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng…
“Khi đó, nhân viên của công ty thường xuyên cắm chốt trong rừng, ăn mì gói thay cơm, lội bộ, leo đồi hàng km đi vận động người dân giao đất và tham gia làm công nhân cho công ty là bình thường”, ông Quyền nhớ lại.
Thế nhưng, vượt lên những khó khăn đó, với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, từ năm 2005 – 2008, công ty đã trồng xong 10.000 ha caosu, hoàn thành chỉ tiêu trước 2 năm so với kế hoạch, với tỉ lệ cây sống 98%, tạo nên thành tích chưa từng có của VRG.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Caosu Việt Lào, cũng là một trong những người gắn bó ngay từ đầu với công ty, cho biết năm 2011, công ty đã đưa 1.642 ha trồng năm 2005 vào khai thác với sản lượng quy khô là 1.555 tấn. Tính từ năm 2015 đến năm 2019, bình quân mỗi năm công ty đã khai thác 17.000 tấn mủ, luôn là thành viên câu lạc bộ 2 tấn trong ngành caosu Việt Nam và hoàn thành vượt mức kế hoạch VRG giao. Công ty Caosu Việt Lào cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành caosu đầu tư ra nước ngoài làm ăn có lãi, đã chia cổ tức 104,6 tỷ đồng cho cổ đông từ năm 2017-2019.
Riêng 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, công ty khai thác gần 9.260 tấn mủ (đạt 53,15% kế hoạch) và tiêu thụ hơn 4.705 tấn mủ các loại với tổng doanh thu gần 136 tỉ đồng.
Nâng cao đời sống người dân địa phương
Công ty Caosu Việt Lào luôn chăm lo tốt đời sống của người lao động và làm tốt công tác từ thiện xã hội với địa phương. Ông Tha Von, từng sống ở Việt Nam 10 năm nên nói tiếng Việt khá sõi và có 15 năm gắn bó với Công ty Caosu Việt Lào, kể: Trước đây, người dân 50 bản thuộc vùng dự án của Công ty Caosu Việt Lào chủ yếu sống du canh, du cư, thu nhập rất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Nhưng từ vào làm công nhân cho công ty thì có thu nhập cao hơn nhiều lần so với đi làm thời vụ bên ngoài, nhiều gia đình đã sắm sửa được ti vi, tủ lạnh, xe máy… điều mà trước nay không có được.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, cho biết, mức lương bình quân năm 2019 của gần 2.700 CNVCLĐ trong công ty (có 2.320 người Lào) đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó viên chức quản lý đạt 33,6 triệu đồng; tiền lương bình quân gián tiếp đạt 17,68 triệu đồng. Công ty còn đầu tư xây dựng hàng trăm km đường, các trạm điện, xây dựng Làng Công nhân kiểu mẫu với hơn 50 căn nhà sàn đẹp đẽ tặng cho công nhân người Lào…
Ngài Sôm Lít, Bí thư Huyện Ủy kiêm Huyện trưởng Huyện Bachiang, cho biết khi chưa có dự án của Công ty Caosu Việt Lào, Bachiang là một huyện nghèo nhất của tỉnh Champasak, với 90% người dân du canh, du cư. Mỗi năm Công ty Caosu Việt Lào nộp thuế bằng 30% ngân sách của huyện và trong 15 năm đã đóng hơn 153 tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách của huyện Bachiang.
Tương tự, ngài Bua Sỏn Vông Song Kong, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak, bổ sung: Dự án của Công ty Caosu Việt Lào là lớn nhất trong tổng số 5.400 dự án đầu tư nước ngoài của 18 quốc gia tại tỉnh Champasak. Những việc làm của Công ty Caosu Việt Lào đã làm nâng cao đời sống, sinh hoạt của người dân và thay đồi đáng kể diện mạo địa phương, đặc biệt góp phần tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết, hữu nghị hai dân tộc Việt Lào.