Các quan chức sở cứu hỏa cho biết ngọn lửa bắt nguồn từ một nhà hàng và nhanh chóng lan sang các tầng khác.
Ít nhất 43 người đã chết và 22 người khác đang được điều trị tại bệnh viện vì bỏng – Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Bangladesh Samanta Lal Sen nói với các phóng viên sau khi đến thăm Bệnh viện Đại học Y Dhaka.
Ông Samanta Lal Sen cho biết thêm, toàn bộ 22 người nhập viện bị bỏng nặng đều đang trong tình trạng nguy kịch.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy, nhưng đám cháy đã được kiểm soát sau hai giờ nỗ lực dập lửa của 13 đơn vị cứu hỏa.
Nhân chứng Mohammad Altaf kể lại việc thoát khỏi ngọn lửa trong gang tấc qua một cửa sổ vỡ. Ông cho biết hai đồng nghiệp đã thiệt mạng.
Altaf kể: “Khi ngọn lửa bùng lên ở phía trước và làm vỡ kính, nhân viên thu ngân và nhân viên của chúng tôi đã đưa mọi người ra ngoài. Nhưng cả hai đều chết sau đó. Tôi chạy vào bếp, đập vỡ cửa sổ và nhảy xuống tự cứu mình”.
Các quan chức cứu hỏa cho biết lính cứu hỏa đã sử dụng cần cẩu để giải cứu người dân khỏi tòa nhà cháy đen.
Giám đốc Sở Cứu hỏa và Phòng vệ Dân sự Bangladesh, Chuẩn tướng Main Uddin, nói rằng đám cháy có thể bắt nguồn từ rò rỉ gas hoặc bếp lò.
Ông nói với các phóng viên: “Đó là một tòa nhà nguy hiểm với các bình gas ở mọi tầng, thậm chí cả trên cầu thang”.
Sự giám sát chặt chẽ đối với Bangladesh và các nhà bán lẻ quần áo quốc tế lớn sản xuất tại nước này đã giúp ngăn chặn những thảm họa tiếp theo trong lĩnh vực may mặc kể từ vụ hỏa hoạn năm 2012 và vụ sập tòa nhà năm 2013 khiến hơn 1.200 công nhân thiệt mạng.
Nhưng trong các ngành công nghiệp khác, chủ yếu phục vụ cho nền kinh tế nội địa đang bùng nổ của Bangladesh không chú trọng đến vấn đề an toàn như nhau, hàng trăm người đã thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn trong những năm gần đây.
Hỏa hoạn thường xuyên xảy ra ở thủ đô Dhaka đông dân cư, nơi đang chứng kiến sự bùng nổ của các tòa nhà mới, thường được xây dựng mà không có các biện pháp an toàn thích hợp. Các vụ cháy, nổ đã xảy ra do bình gas, điều hòa không khí và hệ thống dây điện không tốt.