Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Hồ Quang Bửu ngày 10.7 cho biết vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, kiến nghị, đề xuất một số chủ trương với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về phát triển sâm Ngọc Linh.
Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2018 – 2020, các đơn vị đã cung ứng cho doanh nghiệp và người dân được 47.957 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi. Tổng số tiền thu được gần 10 tỉ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh gồm: Trà túi lọc sâm Ngọc Linh, nước uống sâm Ngọc Linh, mật ong sâm Ngọc Linh, rượu Diệp linh sâm, dung dịch uống sâm Ngọc Linh, viên ngậm sâm Ngọc Linh… với lượng nguyên liệu tiêu thụ khoảng 50 – 60 kg/năm. Bên cạnh đó, sản phẩm sâm Ngọc Linh được đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trong các phiên chợ hằng tháng tại huyện Nam Trà My với lượng sâm củ Ngọc Linh tiêu thụ trung bình khoảng 30 kg/phiên/tháng.
Thống kê của Quảng Nam, cho đến thời điểm này, tỉnh đã quy hoạch diện tích vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh lên đến 15.567ha. Trong đó, từ độ cao 2.000m trở lên là 2.238ha, ở độ cao từ 1.200 – 2.000m là 13.329ha.
Quảng Nam cũng đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh.
Hiện, tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là gần 1.500ha (trong đó: Hộ gia đình, cá nhân: 428,96ha; tổ chức, doanh nghiệp: 1.000ha). Diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam là 1.243,00ha (chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước đang thực hiện chăm sóc và bảo vệ vườn sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My.