Chiêu trò mới ép người vay mua bảo hiểm

Theo ghi nhận hiện vẫn có nhiều trường hợp khách hàng bị ép mua bảo hiểm.

Đủ kiểu ép người vay mua bảo hiểm

Chị Phương Anh (quận 3, TP.HCM) cho hay đầu tháng 5 vừa qua chị vay 800 triệu đồng của một NH nước ngoài. Sau khi đã trao đổi, thống nhất lãi suất thì nhân viên NH yêu cầu chị mua khoản bảo hiểm trị giá 5 triệu đồng. Họ cũng không nói cụ thể đó là khoản bảo hiểm gì.

“Tôi không đồng ý mua vì phát sinh thêm chi phí, họ nói tôi vay vốn dưới dạng tiêu dùng để mua nhà đất nên không mua bảo hiểm thì không giải ngân được. Dùng dằng mãi cuối cùng tôi cũng phải mua vì đến hạn phải trả tiền.

Trong khi nếu vay ở NH khác thì lãi suất cao hơn và mất thêm thời gian chờ đợi xét duyệt hồ sơ”, chị Anh kể. Tới ngày ký hợp đồng, chị Anh mới tá hỏa khoản bảo hiểm đó là “bảo hiểm sức khỏe người vay vốn mở rộng”, giá 4,9 triệu đồng, thời hạn bảo hiểm trong một năm.

“Tôi rất hồi hộp không biết sau khi hết một năm NH có yêu cầu tôi mua bảo hiểm nữa không. Vì ở lần vay vốn trước vào năm 2020 NH yêu cầu tôi mua bảo hiểm cháy nổ cũng có thời hạn một năm. Sau khi hết một năm họ lại bắt tôi mua tiếp thêm một năm nữa rất mệt mỏi”, chị Anh kể.

Ông T. (quận Bình Thạnh) kể ông cần vay 600 triệu đồng để mua ô tô phục vụ nhu cầu gia đình và công việc. Sau đó ông làm các thủ tục thẩm định tài sản thế chấp với một NH tư nhân lớn có hợp tác cùng hãng xe.

“Trong quá trình chờ giải ngân khoản vay, nhân viên NH kéo tôi ra quán cà phê, dẫn thêm một người bán bảo hiểm nhân thọ tới cùng. Sau đó họ bảo tôi phải mua bảo hiểm nhân thọ gói 18 triệu đồng, nếu muốn được giải ngân nhanh”, ông T. cho hay.

Cảm thấy bức xúc, nhưng nhân viên NH nài nỉ, “nhờ hỗ trợ” vì đang gặp áp lực chạy doanh số, nên khách hàng này cũng đồng ý mua bảo hiểm, với điều kiện là gói thấp nhất có thể. Hai bên chốt phương án khách sẽ mua gói 12 triệu đồng/năm, xem như “phí lót đường”.

Tuy nhiên vài ngày sau nhân viên NH lại báo rằng khách phải mua gói 15 triệu đồng/năm, chứ thấp hơn “sếp không duyệt”. Đây cũng là mốc tiền để khách không bị tính phí làm thủ tục giấy tờ vay vốn.

“Năm trước tôi vay 500 triệu đồng để xây nhà, có tài sản thế chấp, nhưng cũng bị bắt mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng. Cuối năm nay vay ở một NH khác để mua ô tô cũng bị “ép” tiếp, bực quá, quyết định không mua bảo hiểm gì nữa, hủy vay, không mua ô tô”, ông T. chia sẻ.

Nhiều chiêu “lách luật”

Theo ghi nhận, sau khi NH Nhà nước vào cuộc chấn chỉnh, mặc dù tình trạng ép mua bảo hiểm khi vay vốn NH trong thời gian gần đây có phần không “trắng trợn” như trước, nhưng vẫn âm ỉ, đồng thời xuất hiện thêm một số chiêu trò mới.

Chị Duyên (đề nghị đổi tên, huyện Hóc Môn) cho biết vừa qua có tới một NH lớn để vay vốn làm ăn, tài sản thế chấp là mảnh đất. Do Bộ Tài chính đã có quy định cấm NH bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay, nên nhân viên đã “lách” qua cách khác. “Nếu muốn được giải ngân, tôi phải chi 50 triệu đồng mua bảo hiểm nhân thọ cho… người thân của mình đứng tên”, chị chia sẻ.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tại bốn doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, được công bố vào năm vừa qua, tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua NH sau năm thứ nhất dao động từ 32 – 73%.

Thời gian qua nhiều khách hàng cũng cho biết họ “cắn răng” mua để được giải ngân khoản vay, chứ không có nhu cầu. Đó cũng là lý do đóng một năm đầu rồi bỏ, không duy trì tiếp.

Theo thông tin của báo Tuổi Trẻ thu thập được, gần đây khi vay vốn, có khách hàng còn bị dồn thế phải đóng phí bảo hiểm hai năm liên tiếp, chứ không dừng lại ở năm đầu tiên rồi thôi. Việc này nhằm đảm bảo tỉ lệ hủy hợp đồng vào năm thứ nhất không rơi vào mức quá cao, phía NH đáp ứng thỏa thuận với công ty bảo hiểm.

Trên thực tế những năm tín dụng tăng cao, như năm 2022, hạn mức (room) tín dụng hết từ tháng 4, khách hàng muốn vay vốn khó có thể từ chối mua bảo hiểm. Tuy nhiên năm nay room tín dụng rất dồi dào, NH Nhà nước liên tục nới room cho các NH nhưng vì bị giao chỉ tiêu, nên khi giải quyết hồ sơ cho khách hàng vay nhân viên NH vẫn dùng nhiều “chiêu” để ép khách hàng mua bảo hiểm. Về phía khách hàng, do cần vốn nên ở vào thế buộc phải mua để được giải ngân dù ấm ức.

NH có thể bị phạt 400 – 500 triệu đồng

Tại dự thảo nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH, NH Nhà nước quy định phạt tiền từ 400 – 500 triệu đồng nếu các NH gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ NH dưới mọi hình thức.

Mức phạt này được bổ sung nhằm tương thích với Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7-2024. Hiện các quy định của ngành NH không đề cập hình thức bảo hiểm nào là bắt buộc tham gia với người đi vay.

Còn thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm được Bộ Tài chính ban hành từ cuối năm ngoái cấm NH bán kèm bảo hiểm liên kết đầu tư (một dạng sản phẩm của bảo hiểm nhân thọ) trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm khoản vay, cháy nổ, tử kỳ, hỗn hợp… không được Bộ Tài chính đề cập tại thông tư này. Chế tài xử phạt mới của ngành NH được đưa ra sau khi hàng loạt người vay phản ánh bị ép “mua bia kèm lạc”, làm gia tăng chi phí vay vốn.

ÁNH HỒNG


BÔNG MAI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *