Chợ nổi miền Tây ‘nổi’ theo cách nào?

Từ sự kiện đại biểu HĐND TP Cần Thơ hỏi giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ “nghĩ gì” khi du khách chê chợ nổi Cái Răng chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe, vấn đề “chợ nổi nên như thế nào” đã được nhiều người dân quan tâm.

Càng nỗ lực giữ, chợ nổi càng… teo tóp

Có thể nói Cái Răng là chợ nổi duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long còn sầm uất và cũng là chợ nổi được nhiều du khách trong, ngoài nước biết đến. Chính vì vậy, TP Cần Thơ cũng xem đây là sản phẩm du lịch cần được bảo tồn và duy trì, phát triển.

Không phải đến bây giờ cơ quan hữu quan của TP mới thực hiện các giải pháp cứu chợ nổi khỏi “chìm”, mà từ năm 2016, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng với phương án là giữ nguyên hiện trạng, có sắp xếp, điều chỉnh lại chợ.

Sau khi đề án được ban hành, rất nhiều công việc đã được thực hiện để duy trì và phát triển chợ nổi độc đáo này. Tổng kết đề án này vào năm 2023, Sở VH-TT&DL Cần Thơ cho biết cơ quan chức năng đã thực hiện 10/13 hạng mục theo đề án.

Cụ thể, đã trang bị hai ghe thu gom rác, xây dựng cầu tàu chợ nổi, vận động xã hội hóa đầu tư một nhà vệ sinh công cộng, đầu tư sáu bè nổi bán trái cây, phục vụ ăn uống của du khách…

Đặc biệt, Cần Thơ cũng đang kêu gọi đầu tư nhà hàng nổi ven sông. Còn đối với trạm dừng chân chợ nổi, cơ quan chức năng đang có tờ trình xin đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đất thu hồi của Nông trường Sông Hậu (phía trên chợ nổi) để đầu tư xây dựng trạm dừng chân.

Cần Thơ cũng đã hỗ trợ cho vay ưu đãi các hộ kinh doanh ẩm thực, trái cây đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, sửa chữa ghe thuyền và đã tổ chức phát vay cho 498 hộ với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng…

Tuy nhiên, đến 2023, khi đánh giá sơ kết đề án này, cơ quan này cho biết chợ chỉ còn khoảng 200-250 ghe, giảm 50-60% so với thời điểm trước với lý do giao thông đường bộ phát triển, thương lái đưa xe đến tận nhà vườn, ít ai còn dùng ghe chở trái cây trên sông.

Cùng với đó là sự phát triển của các siêu thị hiện đại, phương thức giao thương thay đổi, cuộc sống của thương hồ ngày càng khó khăn nên người dân đã bỏ ghe, lên bờ tìm nghề khác mưu sinh.

Chợ nổi thành sản phẩm du lịch, được không?

Trước thực trạng chợ nổi Cái Răng ngày càng “chìm” dù Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có nhìn nhận khác về chợ nổi và có động thái phát triển phù hợp hơn. Một trong số những giải pháp là kêu gọi đầu tư từ tư nhân.

Tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ vừa được tổ chức, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu lưu ý rằng “thời thế” đã khác cả về thương mại (hình thành nhiều chợ trên bờ, trên mạng), đường bộ phát triển mạnh và an toàn giao thông thủy giờ cũng khác nên việc phát triển chợ nổi Cái Răng cần “nương” theo yếu tố này để đưa ra giải pháp cho phù hợp.

Nhiều chuyên gia, người dân cũng cho rằng không thể giữ một chợ nổi “nguyên bản” được nữa mà cần có những thay đổi cho phù hợp hơn. Theo soạn giả Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, về lâu dài nên tính tới chuyển dần chợ nổi Cái Răng sang chợ nổi với hình thức khác phù hợp.

Ông Hùng cho rằng hoàn toàn có thể kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào chợ nổi để phát triển. Tuy nhiên, để khả thi và thành công, Nhà nước cần có những chính sách để doanh nghiệp an tâm đầu tư lâu dài. “Chẳng hạn, nhà đầu tư vào đây rồi mà đầu tư thêm các nhà bè dọc hai bên bờ có được không? Cái này cần có chính sách rõ ràng để họ đầu tư mà không vi phạm”, ông nói.

Ông Martin Stiermann – giám đốc Công ty TNHH Stiermann – cho rằng “chợ nổi Cái Răng giờ đã khác trước”, trong đó việc làm bờ kè hai bên đường với “quá nhiều bê tông” đã làm chợ nổi kém hấp dẫn, du khách tham quan ít đi.

Theo ông Martin Stiermann, du khách nước ngoài đến TP Cần Thơ 1-2 đêm, đến chợ nổi Cái Răng, nhưng sau đó thông qua mạng xã hội bày tỏ sự thất vọng về chợ nổi này. Nhiều du khách cho rằng chợ nổi không còn “chất miền Tây” như trước đây và nếu tình trạng này kéo dài sẽ không còn thu hút khách nước ngoài nữa.

“Đầu tư là tốt nhưng cần theo hướng mà du khách mong muốn”, ông Martin Stiermann nói và cho rằng sau khi làm bờ kè, nhà hai bên bờ sông đã mất đi trong khi cái này rất được khách nước ngoài yêu thích.

“Có nên cho phép xây dựng lại theo kiến trúc nhà sàn miền Tây ở khu vực này để giữ được chất miền Tây sông nước? Hay ra quy định làm sao cho tàu đồng nhất như cách Hội An đã làm hoặc có thể trang bị áo bà ba cho người dân để buôn bán trên tàu”, ông Martin Stiermann gợi ý.

CHÍ QUỐC


LÊ DÂN


MẬU TRƯỜNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *