Thông tin trên được lãnh đạo NCB đưa ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bà Bùi Thị Thanh Hương – chủ tịch NCB, cho biết năm 2022, khi Tập đoàn FLC – công ty mẹ Bamboo Airways – gặp khó khăn, ngân hàng đã tìm được đối tác cam kết đặt cọc và mua lại 200 triệu cổ phiếu hãng hàng không này.
Khoản tiền thu về từ giao dịch dự kiến đảm bảo bù đắp toàn bộ gốc và lãi liên quan. Tuy nhiên, bà Hương nói, sau dịch COVID-19, ngành hàng không tiếp tục lao đao, Bamboo Airways không ngoại lệ.
Trong bối cảnh đó, đối tác mua lại số cổ phiếu trên đã xin gia hạn thanh toán đến muộn nhất là năm 2026, chủ tịch NCB thông tin.
Bà Hương cũng khẳng định với cổ đông, khoản đầu tư này được thu hồi theo kế hoạch. NCB có thể ghi nhận một khoản thu nhập bất thường, cải thiện đáng kể vấn đề tài chính. Hiện tại nhà băng này vẫn đang trích lập dự phòng một cách thận trọng.
Hiện cổ phiếu NCB đang trong diện cảnh báo do bị lỗ, nguyên nhân do ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu và chi phí xử lý các khoản tồn đọng cũ theo phương án cơ cấu lại đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, thị giá 11.600 đồng/đơn vị.
Trả lời chất vấn của cổ đông, chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương cho biết ngân hàng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, muộn nhất là năm 2026 sẽ có lãi, từ đó đưa cổ phiếu ngân hàng thoát khỏi diện cảnh báo.
“Chúng tôi kỳ vọng năm 2026, cổ đông sẽ đón nhận những thông tin tích cực hơn”, bà Hương trấn an cổ đông.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024, NCB có khoản trích lập dự phòng 1.196 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2024.
Trong đó, liên quan đến việc trích lập dự phòng đối với một số khách hàng thuộc nhóm 2, nhóm 5 và khoản cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC, ngân hàng này cho biết đã xây dựng được lộ trình xử lý, trích lập dự phòng tại phương án cơ cấu lại giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 và được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Ngoài ra, tại mục đầu tư dài hạn, NCB cho biết đang đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác với giá trị gần 720 tỉ đồng.
Cụ thể, nhà băng này sở hữu 3,5 triệu cổ phần với giá trị ghi sổ 273 tỉ đồng, tương đương 3,18% vốn điều lệ của Công ty Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn. Hơn 338 tỉ đồng, tương đương 16,5 triệu cổ phần, đang được NCB đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn.
NCB cũng sở hữu 1,77 triệu cổ phần, tương đương 7,02% vốn điều lệ của Chứng khoán Navibank. Nhà băng này còn nắm 9 triệu cổ phần (90 tỉ đồng), tương đương 9% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà máy điện Sài Gòn – Bình Thuận.
Đối với hầu hết các khoản đầu tư nêu trên, NCB đều đã có kế hoạch thoái vốn theo phương án cơ cấu lại được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Ngân hàng cũng cho biết đã thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư này theo lộ trình của phương án cơ cấu lại. Tại thời điểm cuối năm 2024, NCB cũng chưa xác định được giá trị hợp lý của các khoản đầu tư nêu trên.
Đọc tiếp
Về trang Chủ đề