Mở một cửa hàng bán quần áo ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, chị Đào Mai phải tính toán chi tiết đủ thứ, từ địa điểm thuê, tiền vốn, nguồn hàng và lượng khách nhất định.
Ngoài bán hàng trực tiếp, gần đây chị Mai đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok…
Tuy nhiên, đã 3 năm kể từ khi kết hợp 2 hình thức kinh doanh này, chị Mai không biết việc mình phải đăng ký kinh doanh. Bởi, trung bình một ngày, chị chỉ bán được từ 2-3 đơn, doanh thu chưa đạt 160 triệu đồng trong vòng 3 năm.
“Hiện tại, nếu tôi chủ động đi đóng thuế thì không biết có bị truy thu khoản này không?” – chị Mai thắc mắc.
Một trường hợp khác, chị Đỗ Thị Thu Trang (tên nhân vật được thay đổi, trú tại Phú Thọ) cho biết, đã bán hàng, livestream trên Facebook khoảng hơn 1 năm. Sau khi cơ quan thuế địa phương gửi thư mời yêu cầu ra trụ sở làm việc, chị Trang phải nộp gần 20 triệu đồng tiền thuế.
Chị Trang cũng không biết cơ quan thuế lấy thông tin từ đâu. Trước đó, khi đến làm việc, cán bộ thuế yêu cầu sao kê tài khoản ngân hàng, dựa vào các khoản tiền khách hàng chuyển khoản và tiền COD (thanh toán khi nhận hàng) của các đơn vị vận chuyển và yêu cầu nộp thuế.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa – Đoàn luật sư TP Hà Nội, bán hàng online (bán hàng trực tuyến) là hình thức kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường internet. Người bán và người mua không nhất thiết phải gặp mặt nhau trực tiếp mà có thể thông qua các nền tảng công nghệ số như website, mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Instagram, Zalo, YouTube hoặc sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…).
Người bán có thể là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Người bán phải đăng ký với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu kinh doanh, theo Luật Quản lý thuế 2019.
Trường hợp chưa đăng ký thuế, người kinh doanh phải chịu các khoản phạt, như chậm đăng ký kinh doanh, kê khai, thuế nộp chậm.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã ban hành công điện gửi Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn đề nghị quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Tại công điện này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị tiếp tục khẩn trương rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm.
Đặc biệt, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ… Đây là hình thức bán hàng bằng cách phát video trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử, kênh truyền hình.