VN-Index đã lấy lại sắc xanh sau 2 phiên giảm điểm. Tuy vậy, biên độ tăng điểm không cao, đồng thời đà tăng bị thu hẹp khá mạnh về cuối phiên và thanh khoản sụt giảm. Vậy nên phiên tăng không có nhiều tác động để làm thay đổi xu hướng trước đó. Lực cầu hụt hơi ở các cổ phiếu vốn hóa lớn sau khi chỉ số vượt lên trên đỉnh ngắn hạn cũ là nguyên nhân khiến VN-Index vẫn loay hoay, chưa thể bứt phá.
Một trong những lý do khiến thị trường chưa thể bứt phá là dòng tiền vẫn đang có xu hướng tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sự chọn lọc rất khắt khe của dòng tiền.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, sau khi bứt phá lên ngưỡng 1.300 điểm trong các phiên giữa tuần, áp lực bán gia tăng là điều dễ hiểu, đặc biệt khi sự bứt phá chưa thực sự quyết liệt, khiến nhà đầu tư e ngại và thực hiện chốt lãi. Thanh khoản ghi nhận cải thiện cho thấy lực cầu bắt đáy tham gia, nhưng vẫn ở mức thận trọng trước áp lực chốt lời.
Biến động rung lắc đang được các chuyên gia đánh giá có thể sẽ tiếp diễn để chỉ số kiểm định vùng hỗ trợ mạnh 1.250 – 1.270 điểm. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán HSC, trong kịch bản tích cực, nếu thị trường cho tín hiệu giữ vững được vùng hỗ trợ này sẽ mở ra kỳ vọng vận động của chỉ số thị trường chung trở lại chinh phục ngưỡng cản 1.300 điểm.
Nhịp hồi phục cần đi kèm sự cải thiện của lực cầu chủ động và yếu tố đồng thuận của nhóm cổ phiếu dẫn dắt để mang lại độ tin cậy cao hơn. Ngược lại, xu thế tăng ngắn hạn bị vi phạm, thủng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, thì thị trường có thể lùi về ngưỡng hỗ trợ sâu hơn để tạo đà bật lên. Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, cơ hội bứt phá đang trở nên khác biệt, động lượng bứt phá lớn hơn.
Bối cảnh tâm lý thị trường đang có sự cải thiện khi các biến động về tỉ giá, giá vàng, lãi suất và các yếu tố liên thị trường quốc tế đi theo hướng ổn định và hồi phục sẽ hỗ trợ cho các giao dịch ngắn hạn. Dẫu vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay các nhóm cổ phiếu trọng tâm gồm ngân hàng, chứng khoán, thép đóng góp vai trò kéo tăng chỉ số nhưng chưa đáng kể, các nhóm này tạo sức ép đối với vận động của chỉ số thị trường. Rõ ràng, tâm lý vượt ngưỡng 1.300 điểm gặp khó khăn khi dòng cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán chưa có sự đột phá và xác nhận vào sóng tăng mới.
Bên cạnh đó, yếu tố đáo hạn phái sinh có thể khiến biến động ngắn hạn của thị trường trở nên thú vị và khó lường hơn, đặc biệt khi số lượng hợp đồng mở qua đêm đang ở mức cao. Điều này, thường tạo ra sự “rung giật” ở chỉ số VN30 và trực tiếp ảnh hưởng tới các giao dịch ngắn hạn, đặc biệt là thị trường cơ sở.
Công ty Chứng khoán HSC đưa ra nhận định, xu hướng vận động ngắn hạn của VN-Index chưa thay đổi. Diễn biến rung lắc có thể tiếp diễn để kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.250 – 1.270 điểm. Nếu vùng hỗ trợ này không bị vi phạm thì chỉ số sẽ củng cố hoạt động chinh phục ngưỡng cản 1.300 điểm một lần nữa.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán DSC vẫn giữ quan điểm tích cực về xu hướng thị trường chứng khoán trong 3 – 6 tháng tới, bởi 2 chất xúc tác quan trọng nhất là sự ổn định của vĩ mô trong nước và sự tích cực từ liên thị trường chưa thay đổi. Trong ngắn hạn, VN-Index nhiều khả năng sẽ có những phiên rung lắc “rũ bỏ” quanh khu vực 1.250 – 1.280 điểm, các nhịp điều chỉnh từ mốc 1.250 điểm trở lên được xem là lành mạnh.