Ở thời điểm hiện tại, VN-Index đã chinh phục được mốc 1.300 điểm và đang trên đà tạo mức đỉnh mới của năm 2024 nên nhìn chung tín hiệu lạc quan vẫn đang áp đảo. Tuy vậy, sự bùng nổ bứt phá là chưa xảy ra, vì thanh khoản chưa đột biến nên khả năng cao thị trường vẫn cần nhịp tích lũy để tích trữ thêm động lượng.
Tháng 6, theo lịch sử thống kê từ năm 2010 đến nay không phải là một tháng thật sự tích cực cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại chỉ số VN-Index đã phục hồi gần hơn 10% và mức phục hồi cao hơn ở những ngành công nghệ thông tin, bán lẻ, thép, năng lượng, tài chính chỉ trong khoảng 5 tuần giao dịch. Theo đó, cung chốt lời bảo toàn lợi nhuận và hạ tỉ lệ vay nợ khi thị trường tiến về cuối quý II có thể khiến thị trường khó bứt phá trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo bộ phân tích của SSI Research, rủi ro về địa chính trị và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ trì hoãn giảm lãi suất sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các cân đối vĩ mô trong nước và sẽ tác động không tích cực đến thị trường chứng khoán. Về các yếu tố nội tại, các rủi ro lớn có thể kể đến như tỉ giá và áp lực lên lãi suất, thị trường bất động sản còn yếu trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2024 vẫn còn rất cao và tiêu dùng phục hồi không đạt như kỳ vọng.
Trong trung dài hạn, nhóm phân tích đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục.
Nhờ vậy, kỳ vọng về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II và nửa cuối năm 2024. Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VietCap dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục có xu hướng giằng co trong phiên sáng để kiểm định lại vùng hỗ trợ tại 1.295-1.300 điểm. Sau đó, kỳ vọng lực mua sẽ mạnh lên và chiếm ưu thế trong phiên chiều tại phân khúc vốn hóa lớn (có thể là nhóm ngân hàng) để dẫn dắt VN-Index hướng lên ngưỡng kháng cự tiếp theo quanh 1.315 điểm. Mặc dù vậy, phân khúc vốn hóa thấp hơn có thể vẫn ghi nhận sự phân hóa với dòng tiền dịch chuyển luân phiên giữa các ngành.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS cũng có quan điển cho rằng, trong ngắn hạn, VN-Index đang vượt lên trên 1.300 điểm, hướng tới vùng giá quanh 1.320 điểm là cạnh trên của đường xu hướng trung hạn nối các vùng giá cao nhất. Đây vẫn là vùng kháng cự rất mạnh, để có thể vượt qua cần thêm hỗ trợ của các yếu tố vĩ mô cũng như kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực của nhóm cổ phiếu lớn, ngân hàng.
Trường hợp tích cực, nếu VN-Index có thể vượt qua vùng kháng cự trên thì kỳ vọng có thể tiến đến vùng 1.350-1.370 điểm, mở rộng lên tới 1.400 điểm. Trong kịch bản không thể bứt phá lên trên vùng kháng cự, xu hướng ngắn hạn của chỉ số sẽ là tiếp tục quay trở lại dao động trong vùng 1.250-1.300 điểm.