VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 49 năm nay tại 1.270 điểm, tăng gần 20 điểm so với tuần trước cùng thanh khoản bình quân tăng mạnh.
* Ông Đoàn Minh Tuấn – trưởng phòng phân tích FIDT:
Tín dụng tăng tích cực cuối năm, hai tín hiệu đảo chiều xuất hiện
– Hai áp lực ngắn hạn lớn nhất trên thị trường chứng khoán là tỉ giá và động thái bán ròng của khối ngoại đang có tín hiệu đảo chiều lạc quan hơn.
Đây có thể là thời điểm dòng vốn ngoại mới trở lại tìm kiếm cơ hội mới, đặc biệt với triển vọng tích cực thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường bởi FTSE ngay kỳ tháng 3-2025 sắp tới.
Khi rủi ro đi qua, niềm tin trên thị trường bắt đầu cải thiện nhanh chóng, đã có các tín hiệu dòng tiền lớn trên thị trường đang quay trở lại.
Bên cạnh đó, tín dụng đã cho tín hiệu tích cực giai đoạn cuối năm 2024. Tính đến ngày 7-12, tăng trưởng tín dụng đã đạt 12,5%, tăng rất mạnh trong 2 tháng cuối năm. Như vậy, tín dụng tăng hơn 450.000 tỉ đồng chỉ hơn 1 tháng.
Theo đúng kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 15%, sẽ có hơn 330.000 tỉ đồng được bơm ra trong tháng cuối năm. Ước tính có gần 800.000 tỉ đồng tín dụng dự kiến được giải ngân 2 tháng cuối năm.
Đối với kịch bản cơ sở, chúng tôi cho rằng thị trường điều chỉnh sâu gần đây đã phản ánh hầu hết các “rủi ro giả định” trong trung hạn.
* Ông Nguyễn Thế Minh – giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam:
Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ hút dòng tiền
– Rủi ro lớn nhất vừa qua là tỉ giá. Tuy nhiên, áp lực này đã hạ nhiệt một phần khi đà tăng của đồng USD suy yếu cùng với lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng suy yếu.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã quay lại can thiệp vào thị trường ngoại tệ với một số phiên phát hành tín phiếu gần đây.
Rủi ro về thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng đã giải quyết phần nào trong tuần vừa rồi với việc nhà đầu tư đã không đứng ngoài quan sát và cũng đang bớt đi sự bi quan.
Hiện dòng tiền đầu cơ của vốn ngoại đã gần như rút hết và chỉ còn lại các cổ đông chiến lược. Dư địa bán hiện là không còn nhiều.
Khả năng cao Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 12, qua đó củng cố thêm kỳ vọng hơn việc khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường Việt Nam.
Với câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội vào tháng 10 vừa qua. Trong kỳ đánh giá tháng 3 năm tới, chúng ta có thể khả năng cao được FTSE xem xét nâng hạng. Đây là chủ đề tích cực thu hút dòng tiền cả nội lẫn ngoại.
* Ông Barry Weisblatt – giám đốc khối phân tích Chứng khoán VNDirect:
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn
– Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn. Theo đó, P/E trượt (tỉ lệ giá trên thu nhập) của VN-Index hiện chiết khấu hơn 10,3% so với mức trung bình 5 năm. Thị trường chưa đánh giá đúng về triển vọng lợi nhuận quý 4 tăng trưởng trên 20% theo dự báo của chúng tôi.
Ngoài ra, thị trường cũng đã phản ánh phần lớn những rủi ro về các chính sách đề xuất của Tổng thống đắc cử Donald Trump, điều này đã đẩy chỉ số DXY chạm mức 107.
Việc Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 sắp tới có thể làm hạ nhiệt chỉ số DXY, qua đó giảm áp lực lên tỉ giá VND và tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thể tập trung hơn vào hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế và bức tranh lợi nhuận của các công ty niêm yết đã cải thiện rõ rệt, có thể thấy rằng định giá thị trường vẫn chưa phản ánh đầy đủ, chủ yếu là do ảnh hưởng từ việc bán ròng rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm, áp lực tỉ giá gia tăng và căng thẳng thanh khoản cao hơn trong những tháng cuối năm nay.
Với mức định giá hiện tại và bối cảnh kinh tế vĩ mô, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư dài hạn chủ động phân bổ vốn và tích lũy cổ phiếu để xây dựng danh mục đầu tư cho năm 2025.
Tuy nhiên, do thị trường vẫn chưa xác lập được xu hướng tăng rõ ràng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức có thể gây phản tác dụng và gia tăng rủi ro.
Các nhà đầu tư được khuyến nghị áp dụng chiến lược phân bổ vốn thận trọng.