Dòng tiền luân chuyển, phân hóa, chỉ số chứng khoán khó vượt đỉnh 1.300
* Ông Đỗ Bảo Ngọc – phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết:
– Chỉ còn hai phiên nữa là hết năm 2024, dòng tiền khó có đột biến, chỉ số khó bứt phá vào thời điểm này. Kỳ vọng đầu năm mới với câu chuyện về kết quả kinh doanh quý 4, những cải thiện trong tiến trình nâng hạng sẽ kích hoạt dòng tiền chảy vào chứng khoán tốt hơn.
Vừa qua, thị trường phân hóa mạnh, dòng tiền luân chuyển liên tục. Sau một thời gian “đổ” vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tuần qua đã chảy mạnh vào nhóm vốn hóa lớn.
Riêng với cổ phiếu ngân hàng, tuần qua tăng mạnh có thể do tỉ trọng nhóm này trong danh mục các quỹ đầu tư khá cao. Khi các quỹ giải ngân xong, khả năng tăng tiếp được vẫn là dấu hỏi. Bởi triển vọng của nhóm này khá áp lực khi hết năm 2024, cũng là thời điểm hết hiệu lực thông tư 02, nợ xấu sẽ gia tăng và lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Nhìn chung, thị trường thiếu vắng động lực, nên không đủ mạnh để kích cả nhóm đồng loạt đi lên. Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư có thể lưu ý khả năng tạo đáy ngắn hạn của các nhóm tiềm năng trong tuần này để tận dụng cơ hội cho triển vọng kinh doanh năm mới.
Cá nhân là nhóm duy nhất bán ròng, thể hiện sự thận trọng
• Ông Đoàn Minh Tuấn – trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT:
– Tuần qua, VN-Index vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực từ nhóm ngân hàng, giúp chỉ số VN-Index đạt 1.275 điểm, tiến sát vùng kháng cự 1.280 – 1.300.
Tại đây, câu hỏi chiến lược lại xuất hiện: Liệu rằng VN-Index có chạm đến 1.300 và bứt phá được không ? Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng để trả lời cho câu hỏi này.
Các rủi ro toàn cầu đang hiện hữu và áp lực tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước siết chặt thanh khoản là điều kiện không tốt để có thể kỳ vọng vào một kịch bản quá tích cực. Bối cảnh rủi ro thị trường ở mức cao không phù hợp cho việc VN-Index dễ dàng vượt qua vùng đỉnh 3 năm “1.300”.
Ngoài ra, sự phân hóa giữa các ngành đang rõ nét, chỉ có ngân hàng và đầu tư công thể hiện tích cực, trong khi các ngành khác như bất động sản, chứng khoán, thép… chịu áp lực điều chỉnh.
Tuần qua cũng được xem như một tuần “nghỉ ngơi” của khối ngoại, khi lực bán từ nhóm này gần như không xuất hiện. Còn nhóm tự doanh đã có một tuần mua ròng mạnh, tập trung vào các ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin và thực phẩm.
Ngược lại, cá nhân trong nước là khối duy nhất bán ròng, với giá trị lên đến gần 2.200 tỉ đồng, ghi nhận là tuần bán ròng mạnh nhất và duy nhất trong tháng 12. Động thái này cho thấy tâm lý thận trọng, có phần tiêu cực của nhà đầu tư cá nhân trước các yếu tố rủi ro như thanh khoản thị trường và áp lực tỉ giá.
Nhìn chung, để thị trường có thể chuyển sang xu hướng ổn định và tích cực hơn, cần chờ đợi một sự đảo chiều rõ rệt từ các yếu tố áp lực toàn cầu.
Áp lực tỉ giá vẫn “chực chờ” và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ
• Ông Đinh Quang Hinh – trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect:
– Các chỉ số chứng khoán phục hồi tích cực trong tuần qua khi những rủi ro gần đây tạm thời lắng dịu. Trong đó đà tăng của chỉ số USD (DXY) đã chững lại trong tuần qua, giúp tỉ giá USD/VND liên ngân hàng “tạm thời hạ nhiệt” và giảm xuống dưới ngưỡng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Điều này tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước bơm trở lại lượng lớn thanh khoản, hơn 70.000 tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng từ 23 đến 26-12, đảo ngược lại mức hút ròng gần 71.500 tỉ đồng trong tuần trước đó.
Trước diễn biến đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đà tăng giá ấn tượng và là động lực chính thúc đẩy xu hướng đi lên của các chỉ số chứng khoán.
Đồng thời nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng “dậy sóng”, khi nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, nhìn chung đà tăng giá chỉ diễn ra “cục bộ” ở một số nhóm ngành và mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ.
Hiện tại, xác suất thị trường sớm vượt qua được vùng 1.300 không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỉ giá vẫn “chực chờ” và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh.