Chứng khoán Việt ‘chao đảo’ trước lo ngại về thuế quan mới, khối ngoại bán ròng đột biến

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Trump nói thuế đối ứng mà ông chuẩn bị công bố tuần này (ngày 2-4) sẽ áp lên tất cả các quốc gia, chứ không chỉ một nhóm gồm 10 – 15 nước có tình trạng mất cân bằng thương mại lớn nhất.

Ngay lập tức, chứng khoán châu Á chao đảo ngay phiên đầu tuần. Các chỉ số NIKKEI 225 (-4,05%), TWSE (-4,2%), KOSPI (-3%) giảm trên 3%, trong khi HSI (-1,13%), KLSE (-1,44%), SET (-1,31%) giảm trên 1%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng vận động chung của thị trường tài chính khu vực. Kết phiên, VN-Index giảm hơn 10 điểm, lùi sâu về mốc 1.306 điểm.

Sau 2 tuần hạ nhiệt, thị trường không ghi nhận hoạt động bán tháo. Ngay trong phiên này, áp lực bán tăng cao, sức ép đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Song phiên giảm điểm hôm nay cũng chỉ có biên độ 1%, thấp hơn so với các chỉ số khác trong khu vực.

Top 10 cổ phiếu kéo thị trường đi xuống phiên hôm nay có GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (-6,9%, giảm sàn), VCB của Vietcombank (-1,23%), FPT (-2,4%), BCM (-3,6%), HPG (1,5%), BID (-0,9%), MSN (-2,48%), VPB (-1,3%), DGC (-3,2%).

Đặc biệt, khối ngoại đã bán ròng đột biến với hơn 1.363 tỉ đồng trên toàn thị trường, tâm điểm là VNM của Vinamilk (-165 tỉ đồng), HPG của Hòa Phát (-136 tỉ đồng), FPT (-106 tỉ đồng), MSN của Masan (-92 tỉ đồng)…

Thanh khoản thị trường hôm nay tăng mạnh, đạt gần 23.000 tỉ đồng. Cả ba sàn có khoảng 500 cổ phiếu giảm điểm, số tăng giá chỉ bằng một nửa (248 mã). Trong đó tính riêng HoSE có tới 120 cổ phiếu giảm quá 1%, với thanh khoản chiếm 45,3% tổng giá trị khớp toàn sàn.

Thống kê 17/19 nhóm ngành cấp 2 giảm điểm với sắc đỏ bao trùm các mã, trong đó bán lẻ, hóa chất, dầu khí, viễn thông… gặp áp lực bán giảm điểm mạnh nhất.

Đáng chú ý nhóm bất động sản “lội ngược dòng” với sự tăng điểm của KBC (+2,5%), VCG (+2,5%), NLG (+0,9%), DIG (+0,25%)…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Hiền Phương – giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam – cho rằng VN-Index đang ở vị thế khá “chênh vênh”, khả năng điều chỉnh về dưới 1.300 là hoàn toàn có thể.

“Giới đầu tư thế giới, trong đó có Việt Nam, quan ngại chính sách thuế cứng rắn của chính quyền ông Trump”, ông Phương nhìn nhận. Việc Việt Nam ảnh hưởng như thế nào cần chờ tới ngày 2-4 theo giờ Mỹ, khi chính quyền ông Trump công bố thông tin rõ ràng hơn.

Đọc tiếp

Về trang Chủ đề

Trở lại chủ đề

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *