Thông tư 68 do Bộ Tài chính ban hành vừa có hiệu lực vào đầu tháng này, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu mà không cần phải có đủ tiền trong tài khoản. Đây là dấu mốc quan trọng trong ngành chứng khoán Việt Nam trong hành trình nỗ lực nâng hạn thị trường.
Thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thu hút vốn ngoại vào chứng khoán Việt
Trước diễn biến đáng chú ý, ông Barry Weisblatt David – giám đốc khối phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect – cho biết: “Thông tư này rất quan trọng, thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây hy vọng sẽ là một phần trong xu hướng biến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn”.
Với thông tư vừa có hiệu lực, ông Barry chỉ ra những tác động trực tiếp và gián tiếp đến thị trường chứng khoán nước ta.
Các quy định mới sẽ khiến một số nhà quản lý quỹ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam do đầu tư trở nên hiệu quả hơn về chi phí. Tuy nhiên phạm vi này khá nhỏ, không ảnh hưởng đến phân bổ từ các quỹ Vietnam-dedicated như PYN, Dragon Capital hay VinaCapital vì đã đầu tư 100% vào Việt Nam. Mặc dù lợi nhuận của họ sẽ tăng nhẹ.
Theo đó, thông tư sẽ áp dụng chủ yếu cho các quỹ khu vực hoặc các quỹ chuyên các thị trường cận biên và mới nổi toàn cầu có quan tâm đến Việt Nam.
Tác động lớn hơn là ảnh hưởng gián tiếp của việc nâng cao khả năng tổ chức xếp hạng thị trường FTSE sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3. Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực.
Các quỹ hoán đổi danh mục – ETFs nước ngoài mô phỏng thị trường Việt Nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư tại các thị trường nước ngoài kỳ vọng vào nâng hạng thị trường mới nổi. Đây có thể là một sự kiện quan trọng và giúp tăng giá cổ phiếu trong quý đầu năm 2025.
Theo đó, những công ty niêm yết được hưởng lợi có thể bao gồm những doanh nghiệp đang chiếm ưu thế trong chỉ số FTSE FM, bao gồm: Thép Hòa Phát – HPG, Vinhomes – VHM, Vietcombank – VCB, Vingroup – VIC và Vinamilk – VNM.
Công ty chứng khoán cần tăng quản lý rủi ro, không đi đường tắt
Ông Barry Weisblatt David cũng lưu ý thông tư 68 tạo ra một số rủi ro cho các công ty chứng khoán, phải chịu rủi ro vỡ nợ thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và phải đưa chứng khoán vào danh mục giao dịch của tự doanh.
“Đây là một điều mới đối với chúng tôi. Trước đây, chúng tôi cũng đã thực hiện KYC đối với khách hàng nước ngoài, nhưng chưa phải đánh giá rủi ro đối tác. Hiện nay, chỉ có một số ít công ty chứng khoán hoạt động mạnh trong mảng môi giới cho khách hàng tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên, họ sẽ cần đầu tư đáng kể vào phát triển hệ thống và chính sách để đánh giá rủi ro này và triển khai sản phẩm cho khách hàng.
Rủi ro cho thị trường là những công ty chứng khoán có ý định mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực này và chiếm lĩnh thị phần từ các nhà đầu tư nước ngoài, cần thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro liên quan và không đi đường tắt”.
Theo đó, công ty chứng khoán cần tuân thủ hướng dẫn của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VDS) và chỉ thị của thông tư 68 để tiếp nhận khách hàng, triển khai dịch vụ theo yêu cầu. Đồng thời có thể làm việc với các tổ chức tư vấn thuộc nhóm kiểm toán Big-4 (4 hãng kiểm toán lớn hàng đầu thế giới), để thiết lập đánh giá rủi ro đối tác cho từng khách hàng.
Về nội bộ, công ty chứng khoán lớn tận dụng năng lực công nghệ vượt trội để nâng cao quản lý rủi ro, mang lại trải nghiệm thông suốt cho khách trong quá trình giao dịch theo quy định mới.