Chứng khoán tăng điểm nhưng thanh khoản thấp
Ông Donald Trump đã chính thức giành phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngày 6-11 theo giờ Việt Nam.
Thông tin này đã tác động mạnh tới thị trường tài chính toàn cầu. Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh và đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Ở châu Á, các chỉ số tăng giảm trái chiều, sắc xanh chiếm chủ đạo.
Ở Việt Nam, VN-Index khép phiên ngày 6-11 với mức tăng 1,25% (gần 16 điểm). Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 13.500 tỉ đồng, phục hồi so với phiên liền trước, nhưng vẫn giảm gần 6% so với trung bình 20 phiên.
Quan sát trong nhiều tháng trở lại đây, chỉ số nhiều thời điểm phục hồi, nhưng thanh khoản chưa trở lại “phong độ”.
Từ mức bình quân trên 20.000 tỉ đồng quý đầu năm, giá trị khớp lệnh sàn TP.HCM gần đây thường ở mức 13.000 – 14.000 tỉ đồng.
Thậm chí, phiên 5-11 – trước ngày bầu cử Mỹ – thanh khoản chưa tới 9.000 tỉ đồng – mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5-2023 đến nay.
Ông Bùi Văn Huy – giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC – cho biết thị trường bắt đầu những ngày đầu tháng 11 với thanh khoản giảm rất sâu.
Thị trường tài chính – tiền tệ có thể ví như một chiếc bình thông nhau giữa các kênh đầu tư của nền kinh tế, các loại tài sản tài chính, hàng hóa, bất động sản…
“Khi dòng tiền bị hút vào các kênh đầu tư khác hoặc phải tập trung xử lý vấn đề khác nhau, việc thiếu hụt thanh khoản ở kênh chứng khoán là điều đương nhiên”, ông Huy nói.
Điều gì khiến dòng tiền e dè?
Trước tiên, ông Huy đề cập thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Không khó để nhận ra tác động khi nhiều ngân hàng phải tập trung xử lý, hạch toán, làm đẹp sổ sách trước mốc thời gian quan trọng này.
“Sẽ có những khoản mục không giấu được và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong quý 4-2024 và cả năm 2025. Một dòng tiền nhất định phải tập trung để xử lý vấn đề này”, theo ông Huy.
Tiếp theo là việc lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn vào cuối năm 2024. Giám đốc DSC cho biết chiếm chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng…
“Rủi ro dây chuyền như hồi năm 2022 khó xảy ra và các doanh nghiệp ít nhiều có những phương án khác nhau.
Song khó phủ nhận, nhiều nơi phải chật vật cân đối nguồn lực. Đó cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến thị trường chứng khoán vắng thanh khoản như hiện tại”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Cơ cấu vốn hóa chiếm phần lớn là ngân hàng, bất động sản xây dựng… VN-Index sẽ phản ánh phần lớn kỳ vọng của thị trường vào nhóm ngành này – Dữ liệu: VCI
Trong khi đó, nhiều kênh đầu tư khác như USD, vàng, bitcoin… liên tục tăng giá. Như USD, chỉ số Dollar Index (DXY) đã tăng một mạch từ khoảng 100 lên vùng 105. Áp lực này đã khiến Ngân hàng Nhà nước cần có những biện pháp can thiệp.
Trong khi đó giá vàng liên tục lập đỉnh mới do những câu chuyện địa chính trị. “Cũng không quá khi nói việc đồng USD tăng giá khiến thanh khoản bị hút bớt, giá vàng, cạnh tranh trong vai trò kênh đầu tư, vừa thể hiện tâm lý e ngại rủi ro trong giới đầu tư toàn cầu”, vị chuyên gia chứng khoán nhận định.
Cuối cùng, có thể thấy thị trường bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn nhưng xảy ra sốt đất cục bộ.
Ông Huy chỉ ra đó là làn sóng các bất động sản phía Bắc từ đất nền đến căn hộ đồng loạt tăng giá. Làn sóng đất dường như đang lan dần vào phía Nam và đó cũng là một kênh hút dòng tiền đầu cơ.
Thị trường tài chính như đã nói là chiếc bình thông nhau và sốt đất cục bộ ảnh hưởng đến thanh khoản chứng khoán.
Như vậy thanh khoản chỉ có thể trở lại khi những vấn đề nêu trên cơ bản được giải quyết, trong đó nổi bật là câu chuyện đáo hạn trái phiếu và đáo hạn thông tư 02.
“Song thị trường chán nản đôi khi là cơ hội để chắt lọc những cơ hội đầu tư tốt, với mức giá chiết khấu và bị dòng tiền bỏ rơi”, ông Huy nêu quan điểm.