Chuyển đổi xanh là ưu tiên hàng đầu

Lời nhắc nhở rõ ràng về sự cấp bách của biến đổi khí hậu cũng là thông điệp chính từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia để củng cố thêm sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Thể hiện sự quan tâm đến tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn tại VN, hơn 200 gian hàng từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế quy tụ tại GEFE 2024, bao gồm các gian hàng từ hơn 13 quốc gia.

EU muốn hỗ trợ VN làm kinh tế xanh

Trong ngày đầu tiên diễn ra GEFE, các doanh nghiệp VN đã có loạt cuộc tiếp xúc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các đối tác doanh nghiệp châu Âu về các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt thảo luận về các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất xanh, năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn.

Ông Trần Chí Thảo, giám đốc Công ty KLC Tech, cho biết đã ký được biên bản ghi nhớ với tập đoàn của Golden Gate BCE của Hà Lan trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, và sản phẩm tiềm năng mà hai bên đang hướng đến là viên cỏ nén.

Vật liệu đốt đang dần thay thế các viên nén gỗ truyền thống vì đáp ứng xu hướng sản xuất khử carbon của quốc tế. “Các doanh nghiệp Hà Lan sẽ hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu thị trường và đầu ra sản phẩm cho hàng hóa VN”, ông Chí Thảo cho biết.

Tại sự kiện năm nay, Hà Lan đã tham gia gian hàng lớn nhất, giới thiệu hơn 50 doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý nước, kinh tế tuần hoàn, logistics và nông nghiệp… “Những thách thức về khí hậu và phát triển bền vững đòi hỏi các giải pháp hợp tác nhằm khai thác thế mạnh của cả các cơ quan quản lý và khối các doanh nghiệp tư nhân, cũng như các đơn vị nghiên cứu và tổ chức xã hội”, Đại sứ Hà Lan Kees van Baar nêu tinh thần của đoàn Hà Lan tại sự kiện.

Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM Daniel Stork chỉ ra việc nhiều doanh nghiệp VN đang xuất khẩu đến châu Âu và nhất là Hà Lan, vì vậy các giải pháp chuyển đổi xanh đáp ứng được yêu cầu của thị trường là điều cần được quan tâm thực hiện.

“Chúng tôi có một chương trình với tên gọi Ready to Export (Sẵn sàng để xuất khẩu), nhằm cung cấp kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về việc làm thế nào để họ có thể tiếp tục xuất khẩu đến Liên minh châu Âu (EU)”, ông Stork nói.

Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Alexandra Smith cũng đánh giá VN với đường bờ biển dài là tiềm năng to lớn cho điện gió ngoài khơi, cũng như việc VN đã có những thành công với năng lượng mặt trời, cùng mục tiêu về năng lượng hydrogen sạch. “Chúng tôi ở đây để hỗ trợ”, bà Smith nêu thông điệp của Anh khi tham dự GEFE.

Giới thiệu tại GEFE gian hàng được dựng bằng các vật liệu bền vững và thiên nhiên như tre, Đại sứ Thụy Sĩ tại VN Thomas Gass muốn GEFE sẽ là nơi khuyến khích người tham dự nâng cao nhận thức, nhấn mạnh rằng môi trường tươi đẹp của VN thuộc về chính người dân.

“Khi một quốc gia ở sát biển, người ta có thể vứt rác xuống đại dương và sẽ thấy rác thải chỉ trong vài giờ đã biến mất, đã trôi đi rất xa. Vì vậy hãy tạo động lực, hãy nhắc nhở mọi người rằng môi trường VN xinh đẹp này thuộc về chính họ”, ông Gass chia sẻ.

Phát triển kinh tế xanh là lựa chọn chiến lược

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas lưu ý có ba công việc quan trọng dành cho doanh nghiệp, chính phủ và người dân. Thế giới ngày nay sử dụng nguồn tài nguyên mức độ không còn bền vững, vậy làm sao có thể tái tạo nguồn nguyên liệu này một cách hiệu quả? Vì thế, các sáng kiến của kinh tế tuần hoàn cần phải tiếp tục.

Thứ hai là cần thay đổi lớn và ngay lập tức cách tương tác Trái đất, theo một cách bền vững hơn thông qua các cam kết, khung hành động đã có. Muốn vậy phải có được nguồn vốn tài chính tài trợ. EU đã tăng gấp đôi con số này lên 7 tỉ euro. Cuối cùng là câu chuyện chống phá rừng. Đây là yếu tố cấp thiết để đảm bảo tất cả các sản phẩm đều được sử dụng từ nguồn nguyên liệu bền vững.

Các câu chuyện về nền kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, tài chính xanh được bàn một cách cụ thể qua các phiên thảo luận. Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh VN quyết tâm xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững, đồng thời tham gia vào nỗ lực chung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong một thế giới biến động, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh vẫn là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược của các quốc gia và hy vọng cho các thế hệ tương lai. Phó thủ tướng, bộ trưởng vui mừng cho biết: VN đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và dự kiến sẽ triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025.

Ngoài ra, nhóm giải pháp cũng đang được triển khai tích cực là khơi thông nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại ĐBSCL. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 16 dự án phát triển bền vững với vốn vay khoảng 2,5 tỉ USD.

Theo ông Bùi Thanh Sơn, kinh tế xanh là lĩnh vực đột phá về hợp tác của VN – EU. Do đó, thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại bền vững và phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua triển khai hiệu quả hơn nữa Hiệp định Thương mại tự do VN – EU (EVFTA), sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư VN – EU (EVIPA) để đưa hợp tác song phương phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.

Hai bên cùng nghiên cứu và triển khai một số dự án hợp tác hải đăng để thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư, hợp tác nhiều bên về chuyển đổi xanh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh của mỗi bên.

“Chúng tôi sẵn sàng cùng EU thúc đẩy các sáng kiến về tăng trưởng xanh thông qua chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện về thúc đẩy phát triển nông nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, thúc đẩy triển khai JETP trở thành một mô hình hợp tác kiểu mẫu và là cầu nối thúc đẩy quan hệ EU – ASEAN phát triển hơn nữa”, ông Sơn cho biết.

NHƯ BÌNH


NGHI VŨ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *