Tại Hội thảo Quốc tế “Digitalize to Revolutionize – Định hình nền kinh tế số tương lai” chiều 8.11, Giáo sư David Rogers – Trường Kinh doanh Columbia – cho biết, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi một doanh nghiệp lâu năm để phát triển hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số đang không ngừng thay đổi. Tuy nhiên, đa số các công ty đều gặp thất bại trong quá trình tiến bộ này.
Vị chuyên gia nhận định thêm, hiện có 5 rào cản đối với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, đó là: không có tầm nhìn chung, không có thói quen thử nghiệm cái mới, không linh hoạt trong quản trị, không có sự tăng trưởng thực chất trong tổ chức và không kỷ luật trong xác định vấn đề ưu tiên. Đây là những yếu tố chính khiến 70% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số rơi vào thất bại.
Ở 30% còn lại, các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số đều có điểm chung là xác định được tầm nhìn chung trong việc lựa chọn vấn đề quan trọng nhất trong việc kinh doanh. Những công ty này dám thử nghiệm cái mới, có tăng trưởng trên quy mô lớn, tập trung phát triển công nghệ, nhân tài và văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuyển đổi số là quá trình không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, mà phải được áp dụng liên tục, từ việc kinh doanh cho đến chính nhân sự trong doanh nghiệp, từ lãnh đạo đến nhân viên.
“Cần trả lời 2 câu hỏi, là tổ chức đó đóng vai trò gì, và thế giới của bạn sẽ định hướng thế nào. Tiếp theo, cần xem xét tác động từ chuyển đổi số, và chuyển đổi số phải gắn liền với việc kinh doanh cốt lõi thông qua các giao dịch hàng ngày để hỗ trợ nhiều bên trong hệ sinh thái. Ở Thung lũng Silicon, các start-up đều tập trung vào việc phát hiện vấn đề, chứ không phải giải pháp” – GS Rogers phân tích thêm.
Ông cũng đánh giá, chuyển đổi số một cách toàn diện, hiệu quả và bền vững là bài toán lớn với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở mọi quy mô. Theo kết quả khảo sát của một số công ty tư vấn chiến lược như McKinsey và BCG, hơn 70% dự án chuyển đổi số tại các doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng hoặc những kết quả tăng trưởng bền vững đã đặt ra.
Có thể nói, chuyển đổi số yêu cầu tổ chức phải luôn sẵn sàng để đối mặt với những biến động thị trường, thay đổi hành vi khách hàng, rủi ro đầu tư công nghệ… Những khó khăn về tài lực, nhân lực, cơ sở hạ tầng và chiến lược số hóa bài bản… đều là những khó khăn tăng nguy cơ thất bại khi triển khai thực tế.
“Chúng ta cần lưu ý đến dịch vụ ngân hàng cũng như đưa ra những dịch vụ khác nhau với những đối tác khác nhau như ví điện tử, và làm thế nào để tăng cường tiếp cận đối với dịch vụ về chuyển đổi số” – Giáo sư David Rogers lưu ý.
Vị chuyên gia lấy ví dụ, Estonia là quốc gia có quy mô nhỏ ở châu Âu nhưng đã đạt được nền tảng về dữ liệu, tạo điều kiện phát triển cho người dân. Singapore là nước đi đầu về chuyển đổi số ở Đông Nam Á với quá trình số hóa khu vực tư nhân lẫn khu vực công, luôn tìm cách thức đưa dịch vụ số đến người dân.
“Với doanh nghiệp nói chung, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số là xử lý, hỗ trợ các vấn đề cho xã hội. Đây là chiến lược thay đổi về tư duy để áp dụng cái mới. Tất cả các doanh nghiệp ngày nay cần xác định tư duy mới trong quan hệ với khách hàng và đối tác để phát huy thế mạnh. Dữ liệu là tài sản cốt lõi của bất kỳ doanh nghiệp nào. Vấn đề là cần tạo ra nền tảng tiếp cận được với người tiêu dùng – đó cũng là bước chuyển đổi tư duy” – GS Rogers đúc kết.