Hơn 1 tuần nữa, cổ phiếu Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, Mã chứng khoán: VTP), chính thức chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE.
Nhìn lại 5 năm lên sàn UPCoM, vốn hoá của VTP đã tăng đến hơn 180% so với thời điểm ban đầu.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu VTP. Hơn 121,78 triệu cổ phiếu VTP sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên thị trường UPCoM vào 29.2 và hủy đăng ký giao dịch sau đó một ngày để chuyển sang niêm yết tại HoSE.
Kể từ đầu tháng 11.2023, khi bắt đầu xuất hiện thông tin này, cổ phiếu VTP đã liên tục tăng mạnh và leo lên gần đỉnh lịch sử. Hơn 3 tháng, thị giá cổ phiếu này đã tăng đến hơn 72%. Giá trị vốn hóa thị trường của Viettel Post tăng lên mức 8.400 tỉ đồng, gấp 2,7 lần so với thời điểm một năm trước.
Dù lãi sau thuế của đơn vị này tăng 48%, lên mức 380 tỉ đồng so với năm 2022, nhưng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ lại giảm 9,5%, đạt gần 19.600 tỉ đồng.
Trong kỳ, các loại chi phí, giá vốn hàng bán của Viettel Post đều có biến động tăng so với năm 2022. Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24%, lên mức xấp xỉ 415 tỉ đồng. Chi phí lãi vay tăng thêm gần 7,6 tỉ đồng.
Hồi đầu năm, Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu doanh thu đi lùi so với năm 2022. Vì vậy, hết năm 2023, VTP đã hoàn thành mục tiêu như đã đề ra trước đó.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Viettel Post đạt hơn 6.777 tỉ đồng, tăng mạnh 18% so với hồi đầu năm, dù tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của Viettel Post đang có là 682 tỉ đồng. Ngoài ra, lãi tiền gửi, tiền cho vay của đơn vị này cũng ghi nhận 33 tỉ đồng vào quý IV.2023.
Nhưng tính đến hết 31.12.2023, doanh nghiệp nợ người lao động 606 tỉ đồng, tăng 18,9 % so với con số đầu năm. Tổng nợ phải trả ngắn hạn của Viettel Post tăng 19% so với đầu năm, do nhiều chỉ số ghi nhận tăng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, phần phải trả công nợ nhân viên điểm bán của Viettel Post tăng so với đầu năm lên 964 triệu đồng; Phải trả về BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn là hơn 30 tỉ đồng.
Về các khoản nợ xấu, Viettel Post thống kê nợ xấu tính đến hết ngày 31.12.2023 đạt 27 tỉ đồng, giá trị có thể thu hồi là 5 tỉ đồng.
Vốn chủ sở hữu của VTP đạt gần 1.581 tỉ đồng, gồm 323 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của VTP là gần 3,3 lần.
Như vậy, tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là các khoản nợ vay vốn bên ngoài tài trợ. Cần lưu ý, hệ số này liên tục tăng cao trong nhiều năm trở lại đây. EPS – lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu thông thường đang được lưu hành ở trên thị trường – trong 3 năm gần đầy liên tục giảm.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 22.2, giá cổ phiếu VTP đang giao dịch ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1,31% so với phiên liền kề.