Ngày 18.6, ngoài thẩm vấn các bị cáo có hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến 2 khu đất vàng bị bán rẻ, chủ toạ Vũ Quang Huy còn xét hỏi với các bị cáo trong nhóm tội “Tham ô tài sản”.
Vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty -3-2).
Trong vụ án này, có 6 bị cáo hầu tòa về tội “Tham ô tài sản” gồm Nguyễn Văn Minh – cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2; Trần Nguyên Vũ – cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2, Huỳnh Thanh Hải – cựu Chủ tịch Công ty đầu tư và quản lý dự án Bình Dương; Võ Hồng Cường – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng; Nguyễn Thục Anh – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển (con gái Nguyễn Văn Minh) và Trần Đình Như Ý – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển.
Hành vi tham ô tài sản của cha con Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng 19% cổ phần tại Công ty Tân Thành.
Theo cáo trạng, Công ty Tân Thành được thành lập vào năm 2017, vốn điều lệ 480 tỉ đồng, trong đó Tổng Công ty 3-2 nắm giữ 30% cổ phần (tương đương 144 tỉ đồng), góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 145ha, Công ty Hưng Vượng nắm giữ 38% vốn (tương đương 182,4 tỉ đồng) và Công ty Phát Triển nắm giữ 32% vốn (tương đương 153,6 tỉ đồng).
Quá trình Tổng Công ty 3-2 cổ phần hóa vào năm 2015, ông Minh không đưa khu đất trên để tính vào giá trị doanh nghiệp mà tiến hành thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 145ha để góp vốn vào Công ty Tân Thành.
Nhằm tạo điều kiện cho 2 công ty “sân sau” (Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển) và bản thân các bị cáo có nguồn tài chính thanh toán các khoản nợ, Nguyễn Văn Minh đã quyết định chủ trương để Tổng Công ty 3-2 nhận chuyển nhượng 19% cổ phần Công ty Tân Thành.
Bị cáo Vũ ký hợp đồng với Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân, xác định giá cổ phần của Công ty Tân Thành làm cơ sở chuyển nhượng. Theo chứng thư thẩm định giá ngày 10.11.2018, giá trị khu đất trên là 5.403 tỉ đồng, giá trị công trình xây dựng, máy móc thiết bị là 340 tỉ đồng.
Ngày 26.11.2018, bị cáo Minh tổ chức cuộc họp ba bên thống nhất việc Tổng Công ty 3-2 mua lại 19% vốn của Công ty Tân Thành (gồm 15% vốn từ Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý 4% từ Công ty Hưng Vượng), tổng số tiền chuyển nhượng là 964,3 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, giá trị khu đất tăng lên. So với giá trị trên sổ sách (khu đất có giá trị 443 tỉ đồng, 1 cổ phần là 16.315 đồng), giá trị cổ phần khi chuyển nhượng chênh lệch 89.422 đồng/cổ phần.
Như vậy, bằng việc chuyển nhượng 19% cổ phần, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền 815 tỉ đồng của Tổng Công ty 3-2.
Tuy nhiên, đến nay, số tiền chiếm đoạt đã được các bị cáo khắc phục toàn bộ.
Tại tòa, bị cáo Võ Hồng Cường – cựu Tổng Giám đốc Công ty Hưng Vượng – khai, bị cáo ký hợp đồng chuyển nhượng 4% cổ phần Công ty Hưng Vượng tại Công ty Tân Thành cho PRT. Sau đó, Tổng Công ty 3-2 thanh toán 203 tỉ đồng. Số tiền này dùng để trả nợ ngân hàng và công nợ với tổng công ty này.
“Cáo trạng nói bị cáo chiếm hưởng 47 tỉ đồng nhưng thực tế bị cáo chưa nhận được đồng nào”, ông Cường nói và mong muốn tòa án xem xét ông có vai trò lệ thuộc trong vụ án này.
Bị cáo Nguyễn Thục Anh cho biết, bản thân chỉ đứng tên thay cổ phần cho ba bị cáo là ông Nguyễn Văn Minh. Bị cáo cũng không nắm rõ các giao dịch vay vốn ngân hàng, giao dịch chuyển nhượng cổ phần.
Số tiền Tổng Công ty 3-2 thanh toán được chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng đứng tên bị cáo và được sử dụng để tất toán khoản tạm ứng của ông Minh.
“Khi thành lập công ty, bị cáo mới 19 tuổi và nhận thức là đứng tên thay cho ba. Quá trình điều tra, bị cáo mới nhận thức và hiểu rằng việc đứng tên chủ sở hữu tài khoản và ký tên trong các hợp đồng vô ý góp phần vào sai phạm”, bị cáo Thục Anh trình bày và cho hay nhận trách nhiệm sai phạm đó.
Bị cáo cũng cho rằng, nếu ông Minh biết việc ký tên mà thành tội “Tham ô tài sản” thì ông không yêu cầu vì không có người cha nào làm hại con gái mình. “Bị cáo không hưởng lợi một đồng nào trong việc chuyển nhượng này”, bà Thục Anh trình bày.
Tương tự, bị cáo Trần Đình Như Ý cũng khai nhận, bản thân đứng tên thay cổ phần của chồng bị cáo. Bị cáo ở nhà nuôi con, không nắm được các hoạt động công ty nên khi bị khởi tố, điều tra, rất hốt hoảng.
“Bị cáo tôn trọng bản cáo trạng và mong HĐXX xem xét cho bị cáo. Bản thân bị cáo không có trình độ để nhận định được bản cáo trạng đúng hay sai. Bị cáo chỉ là người phụ nữ ở nhà đưa con đi học, không biết gì về vấn đề ở công ty”, bà Như Ý cho hay.