Còn một tuần để trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và DongA Bank

Kỳ vọng tương lai mới cho GPBank và DongA Bank

Đây là nội dung đáng chú ý trong nghị quyết số 233 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa công bố.

Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) là hai ngân hàng yếu kém còn lại chưa có phương án xử lý sau nhiều năm.

GPBank được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng trong năm 2015.

Còn DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt từ 14-8-2015 đến nay sau khi kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của ngân hàng.

Gần nhất, vào tháng 10-2019 DongA Bank từng tổ chức đại hội cổ đông bất thường trình cổ đông thông qua tờ trình xin tăng vốn.

Số cổ phần mà Ngân hàng Đông Á dự kiến phát hành là gần 3,35 tỉ cổ phần. Số tiền huy động được sẽ dùng để bù đắp lỗ lũy kế, nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng.

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu chỉ có 63% số cổ đông đồng ý (theo quy định 65% đồng ý mới đạt yêu cầu) nên phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ đã không được thông qua.

Sẽ xử lý xong các ngân hàng 0 đồng

Như vậy sau khi hai ngân hàng thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng là CBBank và OceanBank lần lượt được chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và MB vào tháng 10 qua, Chính phủ muốn xử lý dứt điểm với hai ngân hàng còn lại.

MB mới đây cũng đã quyết định đổi tên OceanBank thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (gọi tắt là MBV), đồng thời đưa loạt lãnh đạo cấp cao sang điều hành ngân hàng này.

Cũng tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý với Ngân hàng Sài Gòn (SCB) – ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022.

ÁNH HỒNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *