Công nghệ giúp tiêu dùng xanh có thể đi đường dài

Trong bối cảnh 72% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố giá, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn để cân bằng giữa chi phí và giá trị bền vững.

Các chuyên gia, doanh nghiệp gửi thông điệp như vậy tại hội thảo “Sản phẩm, dịch vụ xanh – đặt hàng từ người dùng” do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức chiều 27-3.

Đầu tư bài bản từ đầu để tối ưu hóa chi phí

Bà Đặng Huỳnh Ức My – chủ tịch HĐQT TTC AgriS – nhận định nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển đổi theo hướng xanh nếu có sự kiểm soát tốt trong hoạt động canh tác và ứng dụng công nghệ. Đầu tư bài bản ngay từ đầu không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tối ưu hóa chi phí trong các giai đoạn sau, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.

“Bản chất của nông nghiệp là xanh, nhưng cách truyền thông hiện nay đôi khi chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động. Ở nước ngoài, thuốc trừ sâu hay các loại thuốc vẫn được sử dụng rộng rãi, nhưng chúng được áp dụng hợp lý vào từng thời điểm cụ thể của cây trồng, tuân thủ đúng quy trình, liều lượng và tiêu chuẩn canh tác. Nhờ đó, sản phẩm đầu ra vẫn đảm bảo an toàn”, bà My chia sẻ.

Theo bà My, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển đổi sang hướng xanh, trong đó yếu tố cốt lõi là kiểm soát tốt hoạt động canh tác của nông dân và ứng dụng công nghệ. Khi đầu tư bài bản ngay từ đầu, giá trị sản phẩm sẽ tăng lên và chi phí sản xuất ở các giai đoạn sau sẽ giảm đáng kể.

Bà My nhấn mạnh, nếu chỉ tập trung cắt giảm chi phí đầu vào, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với việc tăng chi phí đầu ra, điều này không phải là chiến lược bền vững. Việc đưa công nghệ vào nông nghiệp là xu hướng tất yếu, bởi chỉ có công nghệ mới giúp đo lường, chứng minh được quá trình canh tác xanh, tạo sự minh bạch cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm.

“Nếu nguyên liệu đầu vào không đạt tiêu chuẩn, những sản phẩm tiếp theo trong chuỗi cung ứng sẽ càng gặp nhiều thách thức hơn. Nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong chuỗi giá trị nông nghiệp, chúng tôi tự đặt áp lực để đảm bảo sản xuất sạch, sản xuất xanh, đồng hành cùng nông dân phát triển bền vững”, bà My khẳng định.

Bao bì tái chế “vượt khó” hướng đến phát triển bền vững

Ông Võ Đình Trung – phó tổng giám đốc Trung tâm cải tiến, đổi mới và bền vững – đại diện SCGP, ngành bao bì Tập đoàn SCG – cho biết ngành kinh doanh bao bì của Tập đoàn SCG đã cam kết tăng trưởng và phát triển bền vững thông qua chiến lược ESG 4+, phát triển xanh, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy hợp tác và công khai minh bạch hoạt động.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành bao bì, SCG đã triển khai nhiều giải pháp thực tiễn từ nội bộ nhà máy đến chuỗi cung ứng bên ngoài. Một trong những sáng kiến đáng chú ý là sử dụng nhiên liệu sinh khối, giúp tiết kiệm 30-40% tổng nhiên liệu tiêu thụ. Ngoài ra, SCG cũng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.

Năm 2021, một nhà máy của SCG lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, giúp giảm khoảng 9.300 tấn CO2/năm và tiết kiệm 13 triệu kWh điện/năm. Năm 2023, nhà máy ở Bình Dương cũng lắp đặt điện áp mái, giúp giảm 2.700 triệu kWh điện/năm, tương đương phát triển 35.900 cây xanh trong 10 năm. 

Bên cạnh đó, SCG tối ưu hóa vận hành bằng cách sử dụng máy thủy lực, hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất giúp giảm nhựa sử dụng, điển hình như việc sản xuất nắp chai nước suối chỉ còn 1,7g.

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là chi phí nguyên liệu tái chế. “Giá thành nguyên liệu là một thách thức lớn. Hiện tại, nguyên liệu tái chế có thể cao hơn 20-30% so với nguyên liệu thông thường. Nhiều lúc, chúng tôi phải nhập khẩu từ Đài Loan để sản xuất. Ở Việt Nam, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý nguyên liệu tái chế”, ông Võ Đình Trung chia sẻ.

Bà Trần Thị Út – giảng viên Đại học Hoa Sen – cũng cho rằng mức độ chấp nhận của thị trường đang phụ thuộc rất nhiều vào giá.

Theo bà Út, xu hướng tiêu dùng xanh đặt ra bài toán cho nhà sản xuất: làm thế nào để giúp người tiêu dùng thấy rõ tính “xanh” trong sản phẩm, từ đó thúc đẩy hành động thực tế. Một trong những giải pháp quan trọng là ứng dụng công nghệ. Không chỉ giúp minh bạch hóa thông tin sản phẩm, công nghệ còn có thể giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó tạo ra các sản phẩm xanh với mức giá cạnh tranh hơn.

Dù vậy, điểm sáng là thị trường đã có sự dịch chuyển. Ý thức và nhận thức đã hình thành, nhưng để biến thành hành động cần sự nỗ lực không chỉ từ người tiêu dùng mà còn từ nhà sản xuất. Công nghệ chính là chìa khóa giúp rút ngắn khoảng cách này, tạo điều kiện để sản phẩm xanh tiếp cận thị trường rộng rãi hơn.

Đồng tình quan điểm này, TS Dương Văn Thịnh – cố vấn Cộng đồng lãnh đạo xanh (GLC), giảng viên khoa hệ thống thông tin Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM – cho biết hiện nay dù nhiều nhà máy đã có lộ trình xanh rõ ràng, nhưng thời gian thực hiện thường kéo dài từ 15 đến 20 năm, thậm chí nhanh nhất cũng cần 5 đến 10 năm.

Thách thức lớn nhất hiện nay là khoảng cách giữa nhận thức và hành động. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm xanh, doanh nghiệp cũng có ý thức chuyển đổi, nhưng vẫn tồn tại rào cản về chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. 

Công nghệ được xem là yếu tố then chốt để rút ngắn khoảng cách này, giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng, tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm chi phí, từ đó thúc đẩy hành động thực tế trong việc tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Người dùng rất sẵn sàng cho tiêu dùng xanh

Ông Huỳnh Thanh Tuấn – giám đốc quản lý chất lượng, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) – khẳng định về xu hướng mua sắm tại hệ thống này.

Ông Tuấn nói: “Với hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, chuỗi siêu thị đã triển khai nhiều chương trình cụ thể các chiến dịch tiêu dùng xanh và nhận thấy xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng rõ nét”.

Theo ông Tuấn, qua nhiều chiến dịch và chương trình, doanh nghiệp nhận thấy người tiêu dùng đã có nhận thức đúng đắn hơn về sản phẩm xanh và ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng đồng thời triển khai các chương trình riêng nhằm giúp nhà cung cấp nâng cao nhận thức và kiến thức về sản xuất bền vững.

Về đo lường khả năng chi trả của người tiêu dùng, Saigon Co.op đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát cho thấy khi người tiêu dùng chấp nhận chi trả cao hơn cho sản phẩm xanh, họ có xu hướng chọn doanh nghiệp và điểm bán uy tín, nơi có quá trình kiểm soát nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại trường hợp khách hàng nghi ngờ tính minh bạch của sản phẩm, không chỉ với hàng hóa xanh mà còn nhiều sản phẩm khác. Điều này đặt ra yêu cầu cho các nhà phân phối phải có giải pháp phù hợp để củng cố niềm tin của người tiêu dùng. “Các đơn vị phân phối phải truyền thông rõ ràng về quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, giúp khách hàng hiểu và yên tâm hơn khi lựa chọn mua sắm sản phẩm”, ông Huỳnh Thanh Tuấn nói.

Phân loại rác tại nguồn: còn khoảng cách giữa nhận thức và hành động

Ông Vũ Văn Huy Hoàng – giám đốc khối chiến lược và chuyển đổi số Vinasoy – cho rằng nhựa vẫn tồn tại vì giá trị sử dụng mà nó mang lại. Vấn đề không nằm ở việc loại bỏ hoàn toàn nhựa mà là cách sử dụng có trách nhiệm và phân loại, xử lý đúng cách.

“Với sự bùng nổ thương mại điện tử, lượng bao bì nhựa và ni lông sử dụng trong giao hàng ngày càng lớn, đặt ra thách thức về truyền thông nâng cao nhận thức, thu gom và tái chế”, ông Hoàng nêu vấn đề.

Theo bà Chu Thị Kim Thanh – giám đốc vận hành Công ty cổ phần tái chế bao bì PRO Việt Nam, nhựa vẫn là một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại. Do đó, thay vì loại bỏ, điều quan trọng là quản lý tốt, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn. Bà nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

Bà Thanh cho rằng Nhật Bản đã quản lý rác thải nhựa hiệu quả nhờ vào các chính sách phân loại từ nguồn rất nghiêm ngặt, thậm chí bà Thanh cho rằng nên đưa hẳn giáo dục về phân loại rác tại nguồn vào chương trình giáo dục công dân để trẻ em được dạy về phân loại rác ngay từ nhỏ. Trẻ em khi đã hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác, sẽ có thể nhắc nhở phụ huynh thực hiện tốt hơn.

“Đây là một vấn đề cần sự chung tay của toàn xã hội”, bà Thanh nhấn mạnh.

Bà cũng chỉ ra rằng người dân Việt Nam thực tế đã phân loại rác từ lâu mà theo Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam là theo tiêu chí “bán được và không bán được”. Điều này đặt ra bài toán cần phải tạo ra giá trị kinh tế từ rác thải tái chế để khuyến khích người dân phân loại từ nguồn.

Hiện nay, một trong những khó khăn lớn là rác thải tại nguồn vẫn chưa được phân loại đúng cách. Bên cạnh đó, bà Thanh cho rằng Nhà nước cần có chính sách phù hợp về thu gom để giảm nhập khẩu, từ đó tạo động lực thúc đẩy thu gom nội địa

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Hà – phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, tổng giám đốc Annam Group – cho rằng một trong những rào cản lớn là khoảng cách giữa nhận thức và hành động của người dân. 

“Khi được hỏi, nhiều người sẵn sàng chi trả cho sản phẩm xanh, nhưng thực tế hành động của họ lại chưa thực sự ‘xanh’. Hiện chỉ có 17% hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nhà, điều này gây khó khăn lớn cho các nhà tái chế trong việc thu gom nguyên liệu”, bà nói.

Bà cho biết trong thời gian tới, PRO Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hội thảo để nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh lực lượng thu gom rác hiện tại chủ yếu là lao động tự do, chưa có hệ thống chính thức hỗ trợ công tác phân loại.

Đọc tiếp

Về trang Chủ đề

Trở lại chủ đề

NHẬT XUÂN


NGỌC HIỂN


HỒNG PHÚC


QUANG ĐỊNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *