Công ty chuyên dạy làm giàu… bị lỗ dù chủ tịch đứng lớp khóa học giá trăm triệu

Lĩnh vực chính của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (VLA) là bán khóa học. Tuy nhiên, lượng học viên giảm sút, kết quả kinh doanh quý đầu năm VLA không mấy tích cực.

Công ty dạy làm giàu kinh doanh ra sao?

Cụ thể, báo cáo tài chính quý 1-2024 của VLA cho thấy doanh thu chỉ đạt 988 triệu đồng, giảm 69% so với quý 1 năm ngoái.

Sau khi trừ đi giá vốn kèm chi phí, VLA báo lỗ hơn 1,55 tỉ đồng.

Năm ngoái, tổng doanh thu cũng sụt mạnh, chỉ đạt 11 tỉ đồng và hoàn thành 32% kế hoạch đặt ra, còn lợi nhuận sau thuế 136 triệu đồng, đạt 3%.

Theo báo cáo thường niên, ngành nghề chính của VLA là đào tạo kỹ năng tư duy, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian, đào tạo kỹ năng nói trước công chúng.

Tuy nhiên, VLA cho biết năm 2023, số lượng lớp học cũng như số lượng học viên tham gia khóa học giảm so với năm 2022. Sự sụt giảm này kéo dài sang quý đầu năm nay. Dù vậy, công ty vẫn tổ chức thành công các khóa học như Chiến lược đầu tư bất động sản, Trí tuệ đầu tư 5.0, Bí quyết huy động vốn hiệu quả, Trí tuệ doanh nghiệp…

Ngoài bán khóa học, VLA tham gia đầu tư tài chính và kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp thừa nhận do thị trường chứng khoán biến động thất thường nên “thận trọng” để bảo toàn vốn.

Với kinh doanh bất động sản, công ty này cho biết đã mua lại 1 khách sạn tại Quảng Ninh trị giá 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tài sản về VLA nên chưa làm được thủ tục sang tên.

Nhìn lại dữ liệu 10 năm trở lại đây, 2022 là năm có doanh thu “phấn khởi” nhất với VLA khi đạt hơn 32 tỉ đồng, còn 2021 là năm có lợi nhuận sau thuế cao nhất với hơn 5,6 tỉ đồng.

Đây cũng là giai đoạn thị trường bất động sản, chứng khoán cùng nhiều kênh đầu tư khác bùng nổ sau dịch.

Chủ tịch, cổ đông lớn VLA đều là chuyên gia đầu tư

Trên website, VLA giới thiệu tiền thân là công ty thành viên của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, được thành lập từ năm 2007. Vốn điều lệ hiện nay gần 40 tỉ đồng.

Thông tin từ báo cáo tài chính quý 1 năm nay, ông Nguyễn Thành Tiến – chủ tịch HĐQT công ty này có tỉ lệ vốn góp hơn 9%. Còn ông Đặng Trọng Khang là cổ đông lớn với tỉ lệ vốn góp 24,98%.

Trong đó, ông Nguyễn Thành Tiến được giới thiệu là chuyên gia bất động sản được trả phí cao hàng đầu Việt Nam.

Còn ông Đặng Trọng Khang là chuyên gia chứng khoán tại Công ty TNHH Trường đào tạo kinh doanh và đầu tư thực tế NIK. NIK là công ty do bà Vũ Thị Hiền Nhung – vợ của ông Tiến là người đại diện pháp luật.

Trên website của NIK, các khóa học đầu tư bất động sản, đầu tư được bán với nhiều mức giá khác nhau, có cả miễn phí.

Trong đó, cao nhất là khóa học chiến lược đầu tư bất động sản 4 ngày do diễn giả Nguyễn Thành Tiến đứng lớp, giá khuyến mãi 155 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một tư vấn viên công ty cho biết học viên sẽ có quyền lợi học 21 chiến thuật đàm phán trong mua bán bất động sản, 49 chiến lược giúp tối ưu hóa đầu tư và được hỗ trợ trong 2 năm.

Dù bán các khóa học dạy đầu tư nhưng công ty do ông Tiến làm chủ tịch lại có kết quả kinh doanh đi xuống gần đây.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Thành Tiến nói quý 1, quý 2 có thể lỗ, nhưng đó là “sự chuẩn bị trước cho các dự án sau này”.

“Thua lỗ không quan trọng đâu, có tiền mặt là được. Công ty đó nhiều người hỏi mua nhưng tôi không bán”, ông Tiến nói. Đồng thời cho rằng mình chỉ đào tạo về tư duy, kỹ năng và công cụ đầu tư, và không phải cứ học là giàu.

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *