Công ty may không đơn hàng suốt 2 năm, cổ phiếu lao dốc thảm lại đón ‘tin dữ’

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết sẽ phải thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC của Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn theo quy định.

Cổ phiếu GMC trượt dài về vùng 7.000 đồng, sắp bị “đuổi” khỏi sàn

Hiện GMC thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quyết định của HoSE từ tháng 4-2024 đến nay. Lý do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán hai năm gần nhất (2022 – 2023) của GMC đều là số âm.

Dẫn nghị định số 155, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra trường hợp: tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 1 năm trở lên.

Tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024 của Garmex và văn bản số 735 ngày 16-12-2024 của Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) xác nhận GMC đã bị tạm ngưng sản xuất kinh doanh chính từ tháng 5-2023 đến nay.

Công ty may có trụ sở chính ở TP.HCM này không phát sinh doanh thu và chi phí sản xuất đơn hàng, chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể cho nhân viên bộ phận trực tiếp và gián tiếp được giữ lại, chi phí duy trì, bảo dưỡng tài sản cố định và hàng tồn kho.

Do vậy, HoSE cho biết “sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC”. Trên sàn chứng khoán, hiện thị giá mỗi cổ phiếu chỉ còn 7.400 đồng, giảm 75% so với thời kỳ đầu năm 2021 và giảm gần 80% so với năm 2018.

Garmex Sài Gòn từng là doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có tiếng ở TP.HCM với số lượng nhân sự lên tới 4.000 người.

Nhìn lại dữ liệu kết quả kinh doanh, giai đoạn trước dịch COVID-19, Garmex Sài Gòn lập đỉnh về lợi nhuận sau thuế khi vượt 100 tỉ đồng cả hai năm 2018-2019. Cũng ở thời điểm này, giá cổ phiếu GMC leo lên vùng đỉnh 35.000 đồng.

Giá cổ phiếu thường phụ thuộc rất lớn vào kết quả kinh doanh cũng như tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Từ năm 2023 đến nay, GMC triền miên không có đơn hàng khiến tình hình kinh doanh khó khăn, buộc phải sa thải lao động về chỉ còn vài chục người, giá cổ phiếu cũng lao dốc.

Nhà đầu tư làm gì khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Trước GMC của Garmex Sài Gòn, nhiều cổ phiếu cũng thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE như HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Sau đó, HNG và HBC chuyển xuống sàn UpCOM để giao dịch.

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miên hoặc không đáp ứng được các điều kiện niêm yết, nên cổ phiếu thuộc diện bị “đuổi” khỏi sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM có xu hướng tăng lên.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không cần quá lo lắng lo mất sạch tiền đầu tư vào cổ phiếu đó. Bởi theo quy định hiện hành, nhà đầu tư vẫn được giao dịch đối với cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn, hoặc yêu cầu công ty cấp sổ cổ đông nếu hủy niêm yết không chuyển sàn.

Dù vậy, nhà đầu tư phải lưu ý khi cổ phiếu bị hủy bắt buộc, thị giá sẽ đối mặt với khả năng “giảm không phanh”, thậm chí mất thanh khoản dù vẫn được giao dịch trên hệ thống UpCOM.

Để tránh rủi ro, nhà đầu tư được khuyến cáo nên cân nhắc khi mua cổ phiếu của những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, không minh bạch thông tin hoặc đang trong diện kiểm soát…

Ngoài hủy niêm yết bắt buộc, doanh nghiệp có thể chủ động, tự nguyện làm việc này. Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết nếu trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông (không phải là cổ đông lớn) tán thành hủy niêm yết.

Sau khi có quyết định chấp thuận của sở giao dịch chứng khoán, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ được hủy.

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *