
Đã tốt, còn tốt hơn
Hoài Ân là “thủ phủ heo” miền Trung – Tây Nguyên. Có thời điểm, đàn heo đầu nguồn sông Lại lên tới gần nửa triệu con, chiếm 1/3 tổng đàn của Bình Định.
Năm 2023, chưa kể hộ gia đình, Hoài Ân có 5 trang trại nuôi heo công nghệ cao, 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ, xuất bán ra thị trường gần 300 ngàn con các loại, đóng góp chủ yếu vào tổng giá trị 1.600 tỉ đồng của lĩnh vực chăn nuôi.
5 năm trước, bà Lê Thị Liễu, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, cùng cộng sự hợp tác thành lập Công ty TNHH Bảo Châu Hoài Ân, đầu tư hơn 30 tỉ đồng cho trang trại nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP. Hành trình “tiền khởi nghiệp” diễn ra khá nhọc nhằn với hàng loạt chuyến ngược xuôi xuống biển lên rừng, vào Nam ra Bắc học hỏi kinh nghiệm, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhân viên kỹ thuật thạo việc, lành nghề.

Buổi đầu, cạnh đàn heo VietGAP theo quy trình phổ dụng, Bảo Châu thí điểm nuôi 100 con theo lối mới. Heo nuôi bằng gạo, cám, bột bắp thông thường, đến khi đạt trọng lượng chừng 50kg, khẩu phần ăn sẽ bổ sung các loại lá giàu dược tính như trà đại, hồng ngọc, sâm đất, cách cách, đinh lăng… “Tẩm bổ, thuốc thang” hơn 2 tháng, heo cân nặng 1 – 1,2 tạ thì có thể xuất chuồng. Quá trình này, đàn heo hoàn toàn “chống chỉ định” với các loại kháng sinh.
Lối nuôi mới, khi vận dụng vào điều kiện tự nhiên vùng đồi núi Khoa Trường, xã Ân Đức được theo dõi, khảo nghiệm, đánh giá nghiêm ngặt qua đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình chăn nuôi heo thảo mộc Ngọc Liễu”. Sản phẩm, qua đối chứng, khẳng định ưu tính dẻo, dai, thơm, ngọt. Ở thời điểm 2020, khi giá heo hơi truyền thống 65 ngàn đồng/kg thì heo thảo mộc Ngọc Liễu là 85 ngàn đồng. Các lứa heo nuôi không đủ cung ứng cho người tiêu dùng.
Tín hiệu thị trường củng cố lòng tin và quyết tâm nơi nhà đầu tư về việc tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, phẩm cấp hàng hóa. Không quá khó khăn, Bảo Châu Hoài Ân tìm được sự hỗ trợ, tiếp sức từ cộng đồng, cơ quan quản lý. Hiện bà Lê Thị Liễu là người chủ trì đề tài “Nghiên cứu quy trình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học trên đệm lót tại địa bàn tỉnh Bình Định”. Công trình thực hiện từ tháng 7.2022 đến tháng 6.2024 do Sở Khoa học – Công nghệ Bình Định đặt hàng, cấp kinh phí.

Mục tiêu đề tài là khảo sát, lựa chọn thảo dược, chế phẩm sinh học, xác định tỉ lệ phối trộn thức ăn với thảo dược và chế phẩm sinh học; xây dựng quy trình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược trên đệm lót sinh học.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu, kết quả đánh giá 2 mô hình (1 ở trang trại và 1 ở hộ dân) cho thấy: Heo thảo dược có tỉ lệ nạc cao, không tồn dư kháng sinh, chất cấm chăn nuôi. Hàm lượng protein trong thịt heo thảo dược đạt 18,6%, trong khi thịt heo thông thường chỉ 16,2%; khoáng đa lượng sắt hàm lượng 7,92mg/kg, thịt heo thông thường chỉ 5,59mg/kg; kẽm 18mg/kg, thịt heo thông thường chỉ có 17,1mg/kg…
Sản phẩm heo thảo dược Hoài Ân có khả năng cạnh tranh vượt trội so với heo thịt các vùng khác, có thể tham gia các chuỗi liên kết cung ứng cho những thị trường lớn. Heo nuôi bằng thảo dược có tỉ lệ mắc bệnh thấp, đặc biệt với bệnh đường ruột, hô hấp. Chi phí thuốc thu ý, nhân công nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại đều giảm so với trường hợp đối chứng.
Qua hàng loạt chỉ tiêu về tình trạng sinh trưởng, chi phí vật nuôi, chăm sóc, thức ăn, vaccine, thuốc thú y, chế phẩm bổ sung…, đối chiếu giữa heo nuôi đối chứng (trọng lượng 110,34kg) và heo nuôi bằng trùn quế, cây dược liệu, cám gạo, bắp (tỉ lệ phối trộn khác nhau, trọng lượng 102kg, 106kg, 108kg), nhóm nghiên cứu đã chứng minh khả năng sinh lợi tới hơn 2 lần của phương thức nuôi heo bằng thảo dược. Cụ thể, heo đối chứng lãi 835.955 đồng; heo thảo dược lần lượt lãi 1.506.520 đồng, 1.766.520 đồng và 1.896.520 đồng.
Bắt tay với cộng đồng
Heo thảo dược là thành tựu đi tắt đón đầu đúng hướng của nông nghiệp Hoài Ân. Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Định tập trung nuôi heo công nghệ cao; giai đoạn 2025 – 2030, tiếp tục phát triển chăn nuôi công nghệ cao nhưng chăn nuôi hữu cơ phải chiếm từ 10-15%.

Ở Công ty TNHH Bảo Châu Hoài Ân, thương hiệu heo thảo dược là sản phẩm của một quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến kinh doanh. Tại cổng chợ Mộc Bài (thị trấn Tăng Bạt Hổ), cơ sở giết mổ, sản xuất nem chả Ngọc Liễu thường xuyên tấp nập khách hàng. Ngọc Liễu có hệ thống phân phối hơn 20 đại lý, có hợp đồng với Coopmart Quy Nhơn, chưa kể còn được chào đón ở thành phố Hồ Chí Minh. Bà Liễu cho biết:
“Thách thức hiện tại không phải thị trường tiêu thụ mà là khả năng cung ứng. Sản lượng gần 1.000 con/năm còn quá ít ỏi so với nhu cầu. Chúng tôi đang giải bài toán thiếu hụt nguyên liệu. Phải mở rộng hợp tác với người dân chứ một mình doanh nghiệp thì không xoay trở nổi. Tới đây, công ty sẽ cung cấp cây giống, kỹ thuật cho các nông hộ, nông trại đối tác, hình thành vành đai nguyên liệu bền vững, đảm bảo thảo dược phục vụ chăn nuôi được chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Dư địa phát triển thương hiệu heo đặc sản Hoài Ân còn rất lớn”.

Chị Trần Minh Nguyệt (thành phố Quy Nhơn), nêu cảm nhận: “Giá heo thảo dược không quá chênh lệch so với thịt heo sạch thông thường. Chất lượng thì rõ ràng khác biệt. Thịt luộc lên, mùi thơm tràn ngập; nước luộc ít bọt, trong. Heo thảo dược có vị ngọt, mềm, thơm, thớ thịt chắc…”.