Ức chế vì nạn “ép” mua bảo hiểm khi vay chưa được xử lý triệt để
Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tải phóng sự “Ép người dân mua bảo hiểm” vào năm trước, hàng loạt góc khuất trong việc “gài” khách hàng vào thế buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn được phơi bày.
Người dân ức chế, báo chí vào cuộc mạnh mẽ, chuyên gia và đại biểu Quốc hội dồn dập lên tiếng, trong vòng hơn một năm nay, phía cơ quan chức năng đã liên tiếp có những hành động cụ thể.
Nổi bật là tiếp nối phóng sự của báo Tuổi Trẻ, lần đầu tiên phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thiết lập đường dây nóng nắm bắt và xử lý các phản ánh liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng.
Sau đó, Bộ Tài chính ban hành thông tư 67, cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng.
Năm 2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó quy định cấm ngân hàng gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Dù có thêm nhiều quy định mới, nhưng các “Chiêu trò mới ép người vay mua bảo hiểm” cũng dần xuất hiện, nổi bật là việc khách hàng khi vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ cho… người thân. Hay thay vì bán bảo hiểm liên kết đầu tư, phía ngân hàng luồn sang bán bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… cho khách khi vay vốn.
Có trường hợp buộc phải mua 2-3 năm liền.
Bán “bậy” bảo hiểm lãi ngàn tỉ, phạt 400-500 triệu có đủ mạnh tay?
Để tương thích với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), gần đây nhất, NHNN cho biết đang dự thảo nghị định 88, bao gồm quy định phạt tiền từ 400 triệu đến 500 triệu đồng nếu ngân hàng gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, theo dõi sát các thông tin, chuyên gia Trần Nguyên Đán (Hội Luật gia Việt Nam) nhận định chuyện NHNN có quy định về phạt là bước tiến lớn đáng ghi nhận.
Trước đây Bộ Tài chính chỉ có thể thanh tra và xử phạt công ty bảo hiểm, chứ ngân hàng không đụng được tới phía ngân hàng.
Với quy định mới, đội thanh kiểm tra về hoạt động bảo hiểm của ngân hàng sẽ được hoạt động thuận lợi hơn, từ đó các sai phạm mới được hiện rõ hơn, giúp thị trường minh bạch hơn.
Tuy nhiên, ông Đán cũng lưu ý, khi ký kết hợp tác bán độc quyền, phía ngân hàng thường nhận về khoản tiền vài ngàn tỉ đồng từ công ty bảo hiểm. Vì vậy, quy định phạt 400 – 500 triệu đồng cần nêu rõ hơn, nếu tổng hợp các sai phạm của cả năm và phạt số tiền này thì “như muối bỏ biển”, không đủ tính răn đe.
“Ở nhiều nước phát triển, nếu ngân hàng vi phạm thì có thể bị phạt đến hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng tại Việt Nam chưa có tiền lệ. Trước hết, có thể tính toán phạt 400 – 500 triệu đồng/ca vi phạm, khắc phục hậu quả cho người dân. Quan trọng nhất là cơ chế giám sát của NHNN phải xem việc các ngân hàng ép người dân mua bảo hiểm khi vay vốn là sai phạm rất nghiêm trọng, xử phạt nghiêm minh”, ông Đán cho hay.
Mặc dù các quy định pháp luật đã nghiêm cấm việc ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn nhưng tình trạng này vẫn “âm thầm” diễn ra, gây bức xúc cho người dân.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết bên cạnh tăng mức xử phạt, phía cơ quan chức năng gồm NHNN và Bộ Tài chính cũng cần định kỳ công bố thông tin nhận được từ đường dây nóng đã được thiết lập, về các phản ánh cũng như quá trình xử lý liên quan đến những sai phạm trong hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng.
Có thể chuyển qua một đơn vị trung gian để thực hiện công việc kiểm soát và công bố này, khi mang lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của kênh ngân hàng; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.