Đề nghị làm rõ hướng tuyến ‘thẳng nhất có thể’ của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, nhất là đoạn qua Nam Định

Theo đó, Chính phủ đề xuất phạm vi đầu tư dự án với điểm đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm); tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km, theo đó phạm vi, quy mô đầu tư của dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.

Có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm cơ sở lựa chọn hướng tuyến theo đề xuất của Chính phủ, đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định, để bảo đảm hiệu quả cho dự án.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc tăng tỉ lệ đầu tư chiều dài kết cấu cầu của dự án để bảo đảm an toàn trong khai thác và hạn chế tác động đến môi trường, hệ sinh thái.

Đề nghị làm rõ giá vé đường sắt tốc độ cao 

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, dự án đưa vào khai thác với lợi thế về thời gian, giá vé và các ưu thế khác mà phương thức vận tải này mang lại sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các chặng bay quãng ngắn (như Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang…).

Do đó sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển của các cảng hàng không trong tương lai, tuy nhiên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa làm rõ nội dung này.

Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính khả thi, hiệu quả của việc tính toán giá vé bằng 60 – 70% giá vé bình quân các hãng hàng không đang khai thác trên cùng chặng.

Làm rõ cách tính giá vé toàn chặng (nhiều khách không đi toàn tuyến), so sánh với các tuyến đường sắt tốc độ cao tương tự của các nước, trong khi Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ và phải nhập khẩu, đầu tư nhiều hạng mục, có thể dẫn đến giá vé cao hơn thực tế…

Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD) là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của nước ta.

Dự án này gấp hơn 5 lần dự án sân bay Long Thành và gần 3 lần mục tiêu xây dựng 5.000km đường bộ cao tốc.

Trong khi giai đoạn 2026 – 2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án quan trọng quốc gia và các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021 – 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, tuyến đường sắt kết nối trung chuyển với cảng biển quốc tế, kết nối Trung Quốc, Lào…

Với nhu cầu vốn thực hiện dự án rất lớn, để bảo đảm nguồn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách, cắt giảm chi thường xuyên và có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách nhà nước tăng lên.

Vì vậy để có cơ sở Quốc hội xem xét, quyết định, thường trực ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho dự án.

THÀNH CHUNG


TIẾN LONG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *