Nên triển khai thí điểm
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế các nghị định hiện nay. Trong bản dự thảo lấy ý kiến, Bộ này đề xuất Nhà nước không điều hành giá mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định (tỉ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế, phí).
Dựa trên dữ liệu trên, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự tính giá bán tối đa (giá trần). Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức trần này.
Trao đổi với Lao Động về đề xuất này, ông Vũ Vinh Phú – nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho rằng, đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. “Tôi cho rằng nên cho thí điểm triển khai cơ chế này trước khi mở cửa hoàn toàn với mặt hàng này”, ông Phú nói.
Song, về lâu dài, để giá xăng dầu thực sự theo cơ chế thị trường, hoạt động một cách công khai, minh bạch, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, cần đưa thị trường xăng dầu nâng lên một cấp nữa là thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Việc này sẽ tạo ra thị trường lành mạnh, hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán; giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do doanh nghiệp tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức.
Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ
Bên cạnh mặt được, các chuyên gia cũng lo ngại, câu chuyện về đảm bảo kinh doanh lành mạnh, độc quyền nếu trao quyền cho các đầu mối xăng dầu tự quyết giá.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), với một số đơn vị đầu mối chi phối thị trường từ khâu nhập khẩu đến bán lẻ, cơ chế mới như đề xuất chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề thị trường xăng dầu hiện nay. Nếu trao quyền quyết định giá bán cho đầu mối, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, kịp thời để bảo đảm giá mặt hàng này không tăng “sốc”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát – cho biết, từ hội nghị xây dựng Nghị định 83, 95 đến 80 về kinh doanh xăng dầu, dường như nội dung của các nghị định đều được xây dựng dựa trên lợi ích của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Nếu để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán lẻ thì “như hổ mọc thêm cánh”.
Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy như doanh nghiệp bán lẻ bị chèn ép chiết khấu, bị chiếm dụng chi phí và lợi ích không được phân phối theo đúng quy định; khiến cho thị trường xăng dầu hỗn loạn, bất công và dễ đứt gãy cục bộ.
Do vậy, ông Thắng đề nghị cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức một; cho phép thương nhân phân phối định giá bán buôn mức hai và giá bán lẻ; cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quyết định giá bán lẻ.
“Còn trong trường hợp Nhà nước quy định giá bán lẻ, tôi đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của cả 3 khâu là 3.000 đồng/lít – 5.000 đồng/lít và Nhà nước ban hành tỉ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng, minh bạch bằng thông tư bổ sung thay thế cho Thông tư 103 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hoặc quy định cụ thể tại nghị định mới”, ông Thắng nói.
Trao đổi với Lao Động, TS kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, càng sớm đưa mặt hàng xăng dầu tiến tới thị trường thì càng tốt, nhưng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về tự do nhập khẩu, tự do phân phối. Thời điểm này, mặt hàng xăng dầu chưa làm được điều đó nên Nhà nước vẫn phải quản lý.