Cơ duyên với Đại Lãnh/Đèo Cả từ 4 đời trước
Bắt đầu từ câu chuyện mẹ kể khi tôi còn thơ ấu. Mẹ tôi kể rằng, ông cố ngoại tôi (ông nội của mẹ) là kỹ sư giao thông, được học tập và làm việc dưới chế độ Pháp thuộc. Do đó, cụ được đi nhiều nơi để xây dựng những con đường. Cụ đã làm đến vị trí “Chef de Chantier” – tương tự giám đốc điều hành dự án hiện nay. Cụ là một trong những kỹ sư được cử đi để thiết kế và xây dựng con đường qua đèo Cả. Khi đó, các kỹ sư dưới thời Pháp thuộc là những người được đào tạo rất bài bản, thông thạo tiếng Pháp và các kỹ thuật mới của Châu Âu. Những kỹ sư thuở đó rất giỏi, chỉ bằng cách đi bộ với những thiết bị thô sơ đã dễ dàng xác định được hướng tuyến phù hợp, chọn được phương án thi công dễ dàng, kể cả người dân địa phương cũng khó lòng tìm được hướng đi thuận lợi như vậy. Cụ rất được kính trọng, được chế độ Pháp thuộc đãi ngộ rất cao và cho phép mang vợ đi theo để chăm sóc. Mẹ tôi kể, ông ngoại tôi – con trai cả của cụ được sinh ra ngay tại Đại Lãnh và sống ở đó suốt thời thơ ấu. Cái tên đèo Cả và Đại Lãnh vì thế đã gắn bó với gia đình tôi cả 4 thế hệ.
Năm 2014, thời điểm tôi đang công tác tại một đơn vị thi công hầm vượt qua núi Eo – là hầm xuyên núi duy nhất trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, do chưa biết thi công hầm thực tế như thế nào, Ban điều hành dự án của tôi đã quyết định phải đi tham quan và học hỏi tại công trường xây dựng hầm đèo Cả.
Đập vào mắt tôi là sự hoành tráng chưa từng được thấy ở khu nhà ở của ban điều hành và công nhân lao động. Bản thân lúc đó đang công tác tại một đơn vị được coi là “lá cờ đầu” của ngành GTVT nhưng cũng chưa bao giờ được ở trong khu nhà điều hành, thi công với quy mô rộng lớn, quy củ đến vậy.
Bước vào công trường, là những bài học đầu tiên về hầm. Khi đó, hầm đã đào và gia cố được hơn 1km ở phía cửa Bắc. Chúng tôi tiến vào với những chiếc ô trên tay, chân đi ủng, và gặp các kỹ sư thi công đang mặc áo mưa. Tôi biết được thực tế thế nào là khe nứt, nước ngầm, thế nào vì kèo, neo, bê tông phun… Chúng tôi ở lại thêm vài ngày, đi theo kỹ sư địa chất để học cách đánh giá, chấm điểm địa chất và học cách quyết định hệ thống chống đỡ. Tất cả những bài học kỹ thuật đó lôi cuốn bản thân tôi, khiến những thông tin khác bị lu mờ. Tôi chỉ được nghe loáng thoáng, chủ đầu tư cũng có tên là Đèo Cả.
Tôi nhớ mãi, năm 2018, hình ảnh kỹ sư chúng tôi bị thành viên đứng đầu liên danh đến từ Nhật Bản nói những lời rất khó nghe thậm chí là xúc phạm vì chúng tôi không thể kiểm soát được tiến độ của đơn vị thi công, dù rằng lỗi đó không phải do chúng tôi gây ra mà vì khó khăn trong chi phí hoạt động. Là nơi gắn bó từ lúc tốt nghiệp đại học đến hơn 7 năm sau, tôi đã rất hi vọng đơn vị, sẽ có những sự thay đổi để tốt hơn. Nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn và tôi buộc lòng phải lựa chọn ra đi.
Ngay sau khi tôi xin nghỉ việc ở đơn vị cũ, rất nhiều cuộc điện thoại đã gọi đến, trong đó có cả những vị lãnh đạo từ phía liên danh Nhật Bản gọi về cùng làm việc. Nhưng cuối cùng, tôi chỉ nộp hồ sơ duy nhất vào Tập đoàn Đèo Cả. Những bài báo viết về vị “Vua hầm” mà tôi đọc được vào lúc đó, những ký ức về một địa danh nổi tiếng, một công trường hoành tráng đã được tới thăm, cùng những lời khuyên của các đồng nghiệp đã đưa tôi đến với Tập đoàn Đèo Cả.
Vỡ ra nhiều điều từ những bài học đầu tiên
Tháng 5.2019, những ngày đầu khi được giao nhiệm vụ đấu thầu đầu tư công làm nhà thầu và nhà đầu tư, bản thân Ban Kế hoạch – Kỹ thuật là đơn vị chủ trì cùng phối hợp với các ban chuyên môn khác đều lúng túng. Trước đó, Ban Kế hoạch – Kỹ thuật chỉ lập các hồ sơ đề xuất chỉ định thầu, vốn không có tính cạnh tranh và không gặp những câu hỏi làm rõ hồ sơ quá hóc búa. Ban ngày, chúng tôi xử lý các công việc quản trị thông thường. Từ sau 17h đến tận đêm khuya, lại cùng nhau nghiên cứu và lập hồ sơ dự thầu. Ban Kế hoạch kỹ thuật thực hiện hồ sơ pháp lý, viết đề xuất kỹ thuật. Ban Tài chính – kế toán tập trung dòng tiền để mở bảo lãnh dự thầu, cam kết tín dụng và ký quỹ tiền cược. Ban Mua sắm – Thiết bị lo tập hợp hồ sơ máy móc, tiến hành kiểm định theo đúng yêu cầu. Ban Hành chính – Nhân sự chuẩn bị hồ sơ nhân sự chỉ huy trưởng, kỹ thuật. Tôi còn nhớ, đêm cuối cùng trước khi đưa hồ sơ dự thầu gói thầu đầu tiên tại Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chúng tôi làm việc đến 2h sáng.
Với định hướng tập trung đấu thầu các dự án đầu tư công giai đoạn 2020-2030, hàng loạt những thành công trong công tác đấu thầu như cao tốc Cam Lộ – La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2, Cầu Cửa Lục 1 và 3, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Mai Sơn – Quốc Lộ 45, cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đường ven biển tại tỉnh Bình Định, cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, đấu thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật cầu Đại Ngãi 2… Thời gian đó và ngay trong lúc tôi viết những dòng này, Ban kế hoạch – Kỹ thuật vẫn đang chủ trì thực hiện các hồ sơ của những dự án mới như cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, hầm Khe Nét, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang với hơn 100% sức lực, sự tập trung, cẩn thận trong từng câu chữ, huy động toàn bộ trí tuệ tập thể.
Niềm tự hào là người Đèo Cả
Tôi rất tự hào khi bản thân được làm việc trong một nhà đầu tư, nhà thầu hàng đầu Việt Nam. Với vị trí đảm nhận, tôi thường xuyên được tiếp xúc và tham gia rất nhiều cuộc gặp, họp và trao đổi với các đối tác.
Để chuẩn bị cho một dự án đấu thầu quốc tế sử dụng vốn từ EDCF, một nhà thầu Hàn Quốc đã nhận được rất nhiều lời mời của các Nhà thầu trong nước, trong đó có cả lời mời liên danh của Tập đoàn Đèo Cả.
Trong buổi chia sẻ về năng lực, phía nhà thầu Hàn Quốc giới thiệu họ là một nhà thầu hướng đến tính “nhân văn”, với khẩu hiệu “Tiny change, the better life” (Luôn hướng tới sự thay đổi, dù là nhỏ nhất để mang lại cuộc sống tốt hơn) và họ cũng đang đi tìm một nhà thầu ở Việt Nam có cùng mục tiêu như vậy.
Qua tìm hiểu, họ nhận thấy Đèo Cả có nhiều điểm chung, trong đó việc tập trung thi công các công trình hầm bởi sự an toàn cho người dân Việt Nam thực sự gây ấn tượng cho họ. Không lâu sau đó, Tập đoàn và liên danh Hàn Quốc dễ dàng đạt được thỏa thuận dự thầu, đẩy sớm quá trình chuẩn bị hồ sơ hơn các nhà thầu khác.