Việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhận được sự ủng hộ của các nhà bán lẻ cùng một số nhóm kinh doanh khác, nhưng vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất thép Mỹ, các nhà nuôi tôm ở Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ và nông dân nuôi ong của Mỹ.
Phiên điều trần công khai trực tuyến do Bộ Thương mại Mỹ tổ chức ngày 8.5 nằm trong khuôn khổ quá trình đánh giá, với quyết định cuối cùng được đưa ra ngày 26.7.
Theo Reuters, trong phiên điều trần, luật sư Eric Emerson của Steptoe LLP – đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam – lập luận, Việt Nam nên được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng 6 tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ.
Để đánh giá nền kinh tế của một quốc gia có theo định hướng thị trường hay không, Bộ Thương mại Mỹ có 6 tiêu chí để xem xét gồm: Mức độ chuyển đổi của tiền tệ; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
“Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động ở những tiêu chí này tốt hoặc thường tốt hơn các quốc gia khác đã từng được cấp quy chế kinh tế thị trường” – luật sư Eric Emerson nói.
Ông chỉ ra, sự can thiệp của chính phủ Việt Nam với doanh nghiệp nhà nước ít hơn Ấn Độ và cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài hơn Indonesia, Canada và Philippines.
Theo Reuters, trong lập luận, Việt Nam nhấn mạnh rằng, Việt Nam nên được gỡ khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường bởi đã triển khai nhiều cải cách kinh tế trong thời gian gần đây.
Việt Nam cũng cho rằng, việc bị gán là nền kinh tế phi thị trường cũng không tốt cho quan hệ song phương Việt Nam và Mỹ.
Ông Scott Thompson – Giám đốc chính sách công của Samsung Electronics chi nhánh Mỹ – cho hay, Công ty Samsung Electronics đã trở thành một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất tại Việt Nam nhờ những thay đổi theo định hướng thị trường của Việt Nam.
“Việt Nam đã nổi lên như một đối tác chuỗi cung ứng ổn định, an toàn của Mỹ, mang lại lợi ích cuối cùng cho nền kinh tế Mỹ” – ông nói.
Hiện tại, Việt Nam là 1 trong 12 nền kinh tế bị gán nhãn phi thị trường, cùng với Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Azerbaijan.
Tại phiên điều trần, các bên phản đối Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường lập luận rằng, các cam kết chính sách của Việt Nam chưa tương ứng với các hành động cụ thể.
Các bên chưa đồng tình cũng bày tỏ lo ngại việc các ngành công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Ông Jeffrey Gerrish – cựu quan chức thương mại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, đại diện cho nhà sản xuất thép Steel Dynamics – cho hay, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ dẫn tới làn sóng nhập khẩu giao dịch không công bằng từ Việt Nam, từ đó tạo nền tảng cho Trung Quốc lách thuế quan ở Mỹ.
Reuters chỉ ra, trọng tâm trong quyết định của Bộ Thương mại Mỹ là liệu có tiếp tục áp mức thuế cao hơn với hàng hóa Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến nền kinh tế phi thị trường hay không.
Thuế chống bán phá giá của Mỹ với tôm nuôi đông lạnh của Việt Nam hiện là 25,76%, trong khi mức thuế với tôm từ Thái Lan – một nền kinh tế thị trường – chỉ là 5,34%.