Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị dừng cấp bổ sung giấy phép
Sở Công Thương tỉnh Gia Lai vừa có văn bản số 1294 về việc thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh này sẽ tạm thời dừng cấp bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đối với doanh nghiệp có thay đổi thương nhân đầu mối, phân phối cho đến khi có Nghị định thay thế, hoặc bổ sung, sửa đổi Nghị định số 95 được ban hành.
Theo nhận định của các doanh nghiệp và chuyên gia, chính điều này là biểu hiện của việc chậm sửa đổi, ban hành Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho hay, điều này làm cản trở quyền tự do kinh doanh, tự do lựa chọn đối tác của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Đây là một trong những hệ luỵ khi chậm sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Thắng, trường hợp tạm ngưng cấp bổ sung, sửa đổi chứng nhận đủ điều kiện như trên – xảy ra khi thương nhân đầu mối, hoặc phân phối đã có thông báo thu hồi giấy phép kinh doanh, đủ điều kiện đầu mối hoặc phân phối xăng dầu.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chuẩn bị hết thời hạn giấy phép kinh doanh xăng dầu nhưng muốn thay đổi thương nhân phân phối và đầu mối.
Tuy nhiên, do Nghị định 95 chưa được ban hành, cho nên những doanh nghiệp này gặp khó trong việc chuyển đổi thương nhân phân phối, đầu mối khi làm thủ tục đổi, cấp mới giấy phép.
“Thiết nghĩ, những văn bản chỉ đạo cấp địa phương như thế này phải tuân thủ các quy định của Nghị định hiện hành thay vì tạo thêm các rào cản, ngăn trở hoạt động chính đáng của doanh nghiệp. Nên chăng văn bản trên cần được thu hồi để đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp địa phương”, ông nói.
Sửa nhưng vẫn bất cập
Bà Nguyễn Thị Rim – Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng (Trà Vinh) cho biết, một số thay đổi tại Nghị định 95 về đảm bảo dự trữ, lưu thông xăng dầu dẫn đến việc điều hành không linh hoạt, gây bất cập.
Cụ thể, Nghị định 83 quy định, doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ, lưu thông trong 30 ngày; các doanh nghiệp sản xuất dự trữ dầu thô từ 30 – 60 ngày, phòng khi có sự cố bất ngờ thì các cơ quan chức năng có thể chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối kịp thời nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo phục vụ thị trường để tránh đứt gãy nguồn cung.
Nhưng đến Nghị định 95 thì rút ngắn xuống còn 20 ngày, khiến tiềm ẩn những rủi ro khi các nhà máy lọc dầu bị thiếu hụt nguồn cung, gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước.
Khi Nghị định 95 tiếp tục rút ngắn quy định về việc đến kỳ điều hành, cơ quan quản lý Nhà nước chưa điều hành thì doanh nghiệp được tăng bao nhiêu % theo khung mức. Điều này chưa được thể hiện trong Nghị định 95, chỉ đề cập tăng trên 10% thì báo cáo Chính phủ điều hành.
Một trong những bất cập nữa của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, theo ông Nguyễn Xuân Thắng là thời gian điều chỉnh giá từ 15 ngày xuống 10 ngày, dẫn đến thiếu hụt nguồn trong ngắn hạn.
Sở dĩ có tình trạng như vậy do đầu mối điều chỉnh lượng nhập giảm cho phù hợp với 20 ngày dự trữ tối thiểu – trong khi thời gian nhập khẩu không thay đổi mà còn có xu hướng tăng do các điều kiện khách quan.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Thắng cho biết, tưởng chừng như góp phần bình ổn giá xăng dầu, nhằm hài hòa lợi ích cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng việc vận hành trích lập không tuân thủ biểu thức khoa học, mà điều hành trích lập cảm tính nên xả quỹ đến âm, rồi bù đắp bằng việc giảm trích lập sau đó.
“Việc chậm trễ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 95/2021, không đảm bảo công khai tỉ lệ phần trăm lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức cho khối bán lẻ dẫn đến chuỗi ngày kinh doanh lỗ nặng của doanh nghiệp bán lẻ”, vị giám đốc nói.